Đường dẫn truy cập

Cựu TT Medvedev: Bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ TT Putin đều là tuyên chiến với Nga


Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev - đồng minh của ông Putin.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev - đồng minh của ông Putin.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ người đứng đầu Điện Kremlin đều sẽ là lời tuyên chiến với Nga, đồng minh của ông Putin, ông Dmitry Medvedev, nói hôm thứ Năm 23/3.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ hôm 17/3, cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Cơ quan này nói có cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân.

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nói với truyền thông Nga rằng ICC, tổ chức mà một số quốc gia như Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ không công nhận, là một “tổ chức không có tư cách pháp lý” chưa bao giờ làm được điều gì đáng kể.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ ông Putin đều sẽ là một lời tuyên chiến, ông Medvedev, người giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng an ninh đầy quyền lực của ông Putin, nói.

“Hãy tưởng tượng - rõ ràng là tình huống này sẽ không bao giờ thành hiện thực - nhưng hãy tưởng tượng rằng nó thành hiện thực: Người đứng đầu quốc gia hạt nhân hiện tại đi đến một lãnh thổ, chẳng hạn như Đức, và bị bắt”, ông Medvedev nói.

“Điều đó sẽ là gì? Đó sẽ là một lời tuyên chiến với Liên bang Nga”, ông nói trong một video đăng trên Telegram. “Và trong trường hợp đó, tất cả tài sản của chúng tôi, tất cả tên lửa của chúng tôi v.v…, sẽ bay đến Bundestag, đến văn phòng Thủ tướng Đức”.

Điện Kremlin nói rằng lệnh bắt giữ của ICC là một quyết định đảng phái thái quá, nhưng vô nghĩa đối với Nga. Các quan chức Nga phủ nhận tội ác chiến tranh ở Ukraine và nói rằng phương Tây đã phớt lờ những gì họ gọi là tội ác chiến tranh của Ukraine.

Cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 của Nga đã gây ra cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II và cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Mối quan hệ với phương Tây có lẽ đang ở thời điểm tồi tệ nhất từ trước đến nay, ông Medvedev nói.

Là tổng thống từ năm 2008 đến 2012, ông Medvedev tự cho mình là một nhà cải cách thân phương Tây. Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh, ông đã trở thành một trong những quan chức Nga công khai nhất xúc phạm các nhà lãnh đạo phương Tây và đưa ra một loạt cảnh báo hạt nhân.

Ông nói rủi ro hạt nhân đã tăng lên.

Theo lời ông Medvedev, sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, phương Tây đã coi mình là ông chủ của nước Nga nhưng ông Putin đã chấm dứt điều đó.

“Họ rất bị xúc phạm”, ông Medvedev nói và thêm rằng phương Tây không thích sự độc lập của Nga và Trung Quốc.

Ông nói phương Tây hiện muốn chia cắt Nga thành nhiều quốc gia yếu hơn và đánh cắp nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của nước này.

Ông Putin coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc đấu tranh sinh tồn để bảo vệ nước Nga chống lại những gì ông coi là một phương Tây kiêu ngạo và hiếu chiến mà ông cho là muốn chia rẽ nước Nga.

Phương Tây phủ nhận việc họ muốn tiêu diệt Nga và nói rằng họ đang giúp Ukraine chống lại một cuộc xâm lược kiểu đế quốc. Ukraine cho biết họ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tất cả binh lính Nga bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ.

Trong khi đó, tại Hungary, Chánh văn phòng Thủ tướng Viktor Orban, ông Gergely Gulyas, cho biết tại một cuộc họp báo trong cùng ngày rằng Hungary sẽ không bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đến nước này, đồng thời nói thêm rằng việc này không có căn cứ pháp lý.

Hungary đã ký và phê chuẩn Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Ông Orban nói Quy chế Rome chưa được đưa vào hệ thống pháp luật Hungary.

“Chúng tôi tham khảo luật pháp Hungary và dựa vào đó, chúng tôi không thể bắt giữ Tổng thống Nga... vì quy chế của ICC chưa được ban hành ở Hungary”, ông Gulyas nói.

Khi được báo chí hỏi, ông nói rằng chính phủ của ông “chưa đưa ra lập trường” về lệnh bắt giữ đối với ông Putin.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG