Đường dẫn truy cập

JPMorgan: Các ngân hàng có nguy cơ nhất ở Mỹ mất 1.000 tỷ USD tiền gửi trong một năm


Một chi nhánh của ngân hàng Signature Bank.
Một chi nhánh của ngân hàng Signature Bank.

Các nhà phân tích của công ty JPMorgan Chase & Co mới ước tính rằng các ngân hàng Hoa Kỳ "dễ bị tổn thương nhất" có thể đã mất tổng cộng khoảng 1 nghìn tỷ USD tiền gửi kể từ năm ngoái, với một nửa số tiền bị rút ra trong tháng này sau vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank, theo Reuters.

Hãng tin này cho biết rằng nhóm các nhà phân tích của JPMorgan, do ông Nikolaos Panigirtzoglou đứng đầu, đã không nêu tên bất kỳ ngân hàng nào mà họ coi là "dễ bị tổn thương nhất" hoặc cho biết có bao nhiêu ngân hàng trong nhóm này.

“Sự bất ổn được tạo ra bởi sự luân chuyển tiền gửi có thể khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay”, họ viết, theo Reuters. “Rủi ro này tăng cao bởi thực tế là các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đóng một vai trò lớn không tương xứng trong hoạt động cho vay của ngân hàng Hoa Kỳ”.

Tin cho hay, các cơ quan quản lý đã đóng cửa Silicon Valley Bank và Signature Bank vào đầu tháng này, đánh dấu hai vụ sụp đổ lớn thứ hai và thứ ba, theo thứ tự, trong lịch sử ngân hàng Hoa Kỳ.

Tốc độ mà khách hàng rút tiền từ hai ngân hàng này đã làm dấy lên mối lo ngại về việc tiền gửi sẽ đổ vào các tổ chức khác, khiến chính quyền Hoa Kỳ phải ngăn chặn tiền gửi của họ, theo Reuters.

Theo hãng tin này, những vụ sụp đổ làm gia tăng lo lắng của các khách hàng vội vã chuyển tiền của họ đến các ngân hàng lớn hơn được cho là an toàn hơn và nắm giữ nhiều tiền gửi được bảo hiểm hơn.

Các nhà phân tích của JPMorgan viết rằng trong tổng số 17 nghìn tỷ USD tiền gửi ngân hàng của Hoa Kỳ, gần 7 nghìn tỷ đô la không được bảo hiểm bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, giáo sư-tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường Quản lý Keller, nêu lời khuyên với người Mỹ gốc Việt về chuyện tạm thời tránh đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vì “ngành ngân hàng bây giờ rất là lao đao”.

Ông cũng nêu lời khuyên thêm về chuyện gửi tiền vào ngân hàng: “Bỏ tiền vào ngân hàng Hoa Kỳ phải chắc chắn rằng là những ngân hàng đó, mỗi một ngân hàng một người [được bảo hiểm] 250 nghìn đôla. Gần như chín mươi mấy phần trăm, 99% cũng có FDIC, nhưng không có nghĩa là ngân hàng nào cũng có. Make sure [làm rõ] là ngân hàng đó có là thành viên của FDIC”.

“Nếu hai vợ chồng thì đừng bỏ vào mục nào trên 500 nghìn đôla [mỗi người 250 nghìn]. Và nếu có nhiều hơn thì phải đi tìm thêm ngân hàng khác chứ đừng có dồn vào vào một ngân hàng mà trên 250 nghìn đôla. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ nhì nữa là ngân hàng nào mà hạng trung, có nghĩa là có tài sản khoản 300 tỷ đôla trở xuống, sẽ gặp rất nhiều lao đao nên tránh các ngân hàng đó. Nhưng mà chung quy là, miễn có FDIC thì có thể bỏ tiền vào”.

Theo Reuters, ông Panigirtzoglou từ JPMorgan Chase & Co viết rằng việc bảo hiểm của chính phủ đối với tiền gửi có thể giúp ngăn chặn dòng tiền chảy ra từ các ngân hàng nhỏ và khu vực.

Nhưng khả năng đó dường như ít xảy ra hơn sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết rằng bà không xem xét một đề xuất như vậy, vốn sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội. Bà cho biết rằng các rủi ro ngân hàng đang được xem xét trên cơ sở từng trường hợp.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, lãi suất của Mỹ tăng và các động thái chậm chạp của các ngân hàng trong việc tăng lãi suất mà họ trả cho người gửi tiền, cũng góp phần vào dòng tiền chảy ra trong năm ngoái, theo Reuters.

Tin cho hay, trong số 1 nghìn tỷ USD tiền gửi được rút ra từ những ngân hàng dễ bị tổn thương nhất của Hoa Kỳ, một nửa được chuyển đến các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ, trong khi nửa còn lại được đổ vào các ngân hàng lớn hơn của Hoa Kỳ, các nhà phân tích viết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG