Đường dẫn truy cập

Tranh cãi về ‘Nhà hát Đó’ và chuyện Hội An tính thu tiền du khách


Ảnh tư liệu - Một tour du lịch khám phá Hà Nội. Photo Phunu Online.
Ảnh tư liệu - Một tour du lịch khám phá Hà Nội. Photo Phunu Online.

Hình tượng “Nhà hát Đó” mới xây ở Nha Trang theo hình dáng cái lờ bắt cá hay còn gọi là cái đó, cái nơm mà lãnh đạo địa phương ca ngợi là biểu tượng mới của trung tâm du lịch lớn và lâu đời nhất miền Trung và kế hoạch thu phí tham quan phố cổ Hội An đang gây tranh cãi trong công luận.

Theo anh N.P.N, việc xây dựng công trình nhà hát với hình ảnh như vậy đã phản ánh rõ ràng tầm nhìn và cách làm du lịch manh mún và có thể nói là rất thiển cận của các cấp lãnh đạo. Anh nói du khách quốc tế khi tới Nha Trang không hiểu công trình này mang hình dáng của cái gì, chưa kể rằng khi được giải thích họ rất dễ liên tưởng rằng họ là những con cá bị dịch vụ du lịch địa phương lùa vào cái lờ để thịt.

“Phải xây dựng với những hình ảnh phổ quát chứ ai biết cái lờ là cái gì, cái lờ là cái đó bắt cá, biểu tượng của nông nghiệp lạc hậu để bắt mấy con tôm cá nhỏ, nó cũng là cái nơm thôi.”

Anh N.P.N nói cách làm ăn thiển cận như thế này không hiếm thấy tại Việt Nam. Điển hình là câu chuyện ồn ào hiện nay về việc phố cổ Hội An dự tính thu phí khách vào tham quan. Anh cho biết đây không phải là cách phát triển hay tôn tạo phố cổ mà còn khiến du khách chán ghét Hội An, chán ghét Việt Nam vì tư duy lạc hậu và thủ cựu của một thời bao cấp.

Giới hữu trách nói nguồn thu từ vé tham quan sẽ được dùng để trùng tu di sản-hạ tầng phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch và hỗ trợ cư dân địa phương cải tạo nhà.

Ông L.D.T, một chủ hộ kinh doanh nhà hàng trong phổ cổ Hội An, cho biết kế hoạch thu tiền vào phố cổ hoàn toàn không lấy ý kiến của cư dân phố cổ và những chủ hộ kinh doanh như ông. Ông nói ông cũng như hầu hết các gia đình địa phương đều không cần đến nguồn thu này vì chả đáng là bao, có khi còn không đủ để nuôi bộ máy quản lý từ cấp tỉnh đến cấp thành phố chứ đừng nói tới chuyện trợ cấp cho các gia đình đang sinh sống trong những ngôi nhà cần được bảo tồn ở khu phố.

“Mời người ta tới người ta tiêu tiền còn khó…Làm ra nhiều dịch vụ để người ta ăn chơi và tiêu tiền thì không nghĩ tới, lại nghĩ đến chuyện bán vé. Ngay cái ấn tượng phải mua vé để vào phố cổ là đã thấy bực mình rồi. Còn ai người ta tới nữa. Cũng không hiểu thế nào về chính sách này. Không hiểu sao cả một cái tỉnh, rồi trung ương và cả Tổng công ty du lịch Việt Nam nữa, họ nghĩ gì mà họ lại bày ra được cái trò này,” ông L.D.T bức xúc.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Duy Tùng, một hướng dẫn viên chuyên phục vụ các đoàn du lịch nước ngoài tới khu vực Huế và Hội An, thì chuyện thu phí tại phố cổ không phải là mới.

“Anh đi khách đoàn như mình thì khi dẫn khách vào, kiểu gì người ta cũng ra bắt phải đưa tiền để mua tiền vé. Còn anh đi khách lẻ hoặc tự do đi chơi vào thì mới không mất tiền thôi,” anh Tùng cho VOA biết.

Anh Tùng nói để không gây ấn tượng xấu cho khách, từ trước đến nay công ty của anh đều trả khoản phí này và tính vào chi phí tour để khách có thể thoải mái tham quan, vui chơi mà không phải quan tâm đến chuyện mua vé.

Chị N.T.H, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành trong nước, cho rằng việc chặn du khách thu vài đồng phí tham quan Hội An là chuyện “buồn cười”. Chị bày tỏ ngán ngẫm khi doanh nghiệp của chị mới đưa được một lượng khách nhất định từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ tới Việt Nam để thay thế hai nguồn khách truyền thống là Nga và Trung Quốc thì phố cổ lại tính lập rào chắn bán vé.

Trước làn sóng phản đối của công luận, Hội An đã lùi việc thu phí theo kế hoạch từ 15/5 để ‘tham khảo thêm kinh nghiệm trong nước và thế giới’, ‘tìm phương án tối ưu.’

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG