Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trong một cuộc họp của chính phủ rằng Việt Nam đang đối mặt với những trở ngại lớn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.
"Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là thách thức rất lớn", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nói hôm 4/7, theo VnExpress.
Báo điện tử này đưa tin rằng “nhiều nhiệm vụ, giải pháp” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất như việc các bộ, địa phương “cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu”.
Ngoài ra, VnExpress đưa tin, Bộ này nói rằng các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động “phải được theo dõi chặt chẽ, xử lý vướng mắc để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) hôm 29/6 cho biết rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II của Việt Nam ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ quan này, tính trong giai đoạn 2011 tới 2023, tốc độ tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP tăng 3,72%. GSO cho biết rằng trong quý II, khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp tới 67,84%.
Liên quan tới việc xuất khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê nói rằng tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng Tư đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ giảm xuống mức 6,5% trong năm nay từ mức 8% năm 2022, và tăng lên 6,8% vào năm 2024.
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 “sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”.
Diễn đàn