Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng tới với việc gặp gỡ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các quan chức hàng đầu Việt Nam sẽ diễn ra giữa lúc Washington đang tìm cách nâng cấp mối quan hệ với Hà Nội, coi đây là đối tác quan trọng trong khu vực vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, Việt Nam phải cân nhắc phản ứng của nước láng giềng hùng mạnh khi Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn, theo nhận định của AP, Reuters và các hãng tin quốc tế khác.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden sẽ tới Hà Nội vào ngày 10/9 trong chuyến thăm một ngày tới thủ đô của Việt Nam sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo G20 ở Ấn Độ.
“Các nhà lãnh đạo sẽ khám phá các cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu và tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong tuyên bố hôm 28/8.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/8 cho hay chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam là theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong thông báo.
Thông báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden được Nhà Trắng đưa ra vài tuần sau khi ông Biden nói bóng gió về một chuyến thăm có thể xảy ra. Tại buổi chiêu đãi vận động tranh cử ngày 29/7 ở Freeport, bang Maine, tổng thống Mỹ nói rằng lãnh đạo Việt Nam rất muốn gặp ông. Sau đó, ông nói với các nhà tài trợ tại một buổi chiêu đãi ở New Mexico hồi đầu tháng này rằng ông sẽ “đến Việt Nam trong thời gian ngắn vì Việt Nam muốn thay đổi mối quan hệ và trở thành đối tác”.
“Tôi đã nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tới G20”, AP dẫn lời ông Biden nói tại tiệc chiêu đãi ở Freeport. “Ông ấy muốn nâng chúng ta lên thành đối tác lớn, ngang với Nga và Trung Quốc. Quý vị nghĩ sao? Không, tôi không nói đùa đâu”, AP dẫn lời ông Biden nói.
Việt Nam vốn bị xem là một quốc gia chuyên chế vì chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Các nhóm nhân quyền lâu nay thường nêu lên những lo ngại về việc Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa, cũng như việc bắt giữ hàng chục người chỉ trích chính phủ.
Khi được hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 28/8 rằng ông Biden “không bao giờ né tránh” việc nêu vấn đề nhân quyền với bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
Tổng thống Biden đã đặt ưu tiên vào việc cải thiện và mở rộng các mối quan hệ ở Đông Nam Á trong suốt thời gian ông nắm quyền giữa bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông và các phụ tá nhiều lần cho biết Washington đang tìm cách cải thiện liên lạc giữa hai chính phủ để giải quyết các vấn đề mà chính quyền Đảng Dân chủ cho rằng họ có lợi ích chung, chẳng hạn như các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu và tránh những xung đột và hiểu lầm không cần thiết.
Theo AP, Hoa Kỳ trong nhiều năm đã tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam, quốc gia luôn thận trọng trong việc tiếp cận các yêu cầu của Washington. Cả Trung Quốc và Nga từ lâu đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam - cũng như nhiều nước láng giềng của Trung Quốc - có tranh chấp hàng hải và lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông, hai bên cũng có một cuộc chiến ngắn vào năm 1979, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ được khôi phục vào năm 1995. Kể từ đó, thương mại song phương đã phát triển, đạt mức cao 138 tỷ USD trong thương mại hàng hóa vào năm ngoái.
Việt Nam cũng đã trở thành trung tâm sản xuất xuất khẩu lớn của các nhà sản xuất toàn cầu như LG và Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà cung cấp cho Apple và các nhà sản xuất ô tô như Honda và Toyota.
Việt Nam càng nổi lên khi các nhà sản xuất tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, do căng thẳng địa chính trị và việc nhiều tập đoàn sản xuất lớn muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Trước chuyến thăm dự kiến sắp tới, ông Biden và ông Trọng đã nói chuyện qua điện thoại hồi tháng 3. Một tháng sau đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Việt Nam ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ rút quân, đánh dấu sự kết thúc việc can dự quân sự trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Ông cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng đã tới Hà Nội vào tháng 7.
Diễn đàn