Một báo cáo thường niên 2023 của Liên Hợp Quốc lưu ý rằng Chính quyền Việt Nam đe dọa và trả thù những người liên hệ và hợp tác với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền, nhấn mạnh rằng “không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự đã bị thu hẹp do chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn”.
Báo cáo A/HRC/54/61 của Tổng thư ký LHQ về các hành vi trả thù được công bố trong tuần này, cho biết chính việc Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự khiến các nhóm này không thể hợp tác với LHQ được.
“Việc áp dụng luật pháp hạn chế một cách tùy tiện đã tác động tiêu cực đến khả năng và sự sẵn lòng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc hợp tác với LHQ. Một số đối tác xã hội dân sự lâu năm của LHQ được cho là đã bị kiềm kẹp nên không thể tham gia công khai vào các cơ chế nhân quyền được”, mục 118 của báo cáo viết về Việt Nam.
Trước việc sách nhiễu của chính quyền đối với các nhóm dân sự, nhiều tổ chức đã né tránh đăng ký với tư cách là tổ chức xã hội dân sự hay phi chính phủ (CSO/NGO) và tìm kiếm các phương thức pháp lý khác, báo cáo cho biết.
Báo cáo lưu ý rằng các tổ chức phi chính phủ bị ảnh hưởng nhiều nhất là những tổ chức hoạt động về nhân quyền, bình đẳng giới và phân biệt đối xử, thượng tôn pháp luật và quản trị.
Ngoài ra, tại Việt Nam, các đối tác chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự bày tỏ sự miễn cưỡng khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, bao gồm cả các cơ quan được thành lập theo hiệp ước quốc tế.
“Việc áp dụng tùy tiện các quy định pháp luật mang tính hạn chế, trong đó có những quy định mơ hồ trong Bộ luật Hình sự liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước và khuôn khổ pháp lý của các tổ chức phi chính phủ, đã tác động tiêu cực đến khả năng và sự sẵn lòng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc hợp tác với LHQ”, vẫn theo báo của LHQ.
“Vì sợ bị trả thù”, một số tổ chức phi chính phủ và các đối tác lâu năm của LHQ đã hạn chế tham gia công khai vào các cơ chế nhân quyền, bao gồm cả việc đánh giá của các cơ quan công ước trong giai đoạn hiện tại và các hoạt động chuẩn bị hướng đến tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, dự kiến diễn ra vào tháng 4 –tháng 5 năm 2024.
Báo cáo nêu các trường hợp của một số thành viên của các cộng đồng tôn giáo độc lập và các nhà hoạt động đã tham dự hoặc tìm cách tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng Đông Nam Á (SEAFORB), nhưng họ lại bị đe dọa, quấy rối, hạn chế đi lại và bị dùng bạo lực để cản trở sự tham gia của họ.
Báo cáo nêu các trường hợp của ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban ở Tây Nguyên như VOA đã đưa tin trước đây khi hai ông chuẩn bị tham dự SEAFORB vào tháng 11/2022 ở Bali, Indonesia.
Ông Y Khiu Niê, một giáo viên đồng thời là một tín hữu Tin lành ở Đăk Lăk, bị chính quyền cấm xuất cảnh hôm 6/11/2022 khi ông làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất khởi hành đi Bali.
Ông Y Sĩ Êban, một tín đồ đạo Tin Lành người Êđê ở Đăk Lăk, cho VOA biết rằng ông đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cấm lên máy bay đi Indonesia với lý do “tạm hoãn xuất cảnh” vào ngày 6/11/2022.
Ông Êban nói với VOA:
“Từ ngày 12/10 họ canh giữ tôi cho đến ngày 6/11 ra sân bay thì công an lại bắt giữ tôi. Năm người ở Đăk Lăk xuống điều tra tôi ở sân bay Sài Gòn, rồi đem tôi về Đăk Lăk”.
“Họ điều tra và đánh đập tôi. Họ thu giữ bằng lái xe, căn cước, hộ chiếu, ba chiếc điện thoại và cấm tôi, không cho đi rao giảng Tin lành Đấng Christ nữa”, ông Êban nói.
Vào ngày 28/4/2023, các báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã nêu lên các cáo buộc câu lưu, đe dọa, giám sát, hạn chế đi lại quá mức và quấy rối ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban, những người bảo vệ nhân quyền thuộc cộng đồng bản địa Người Thượng và các tín hữu Tin Lành.
Ông Y Sĩ Êban cho VOA biết nhận định của ông về lý do ông bị chính quyền cấm xuất cảnh:
“Về lý do họ cấm tôi là vì tôi là người bản địa Êđê, họ cấm không cho rao giảng Tin Lành hay dự cuộc họp từ nước ngoài. Họ không cho đi vì họ sợ “phá rối chính quyền”, đạo này là “không đúng với sự thật”, đạo Tin Lành Đấng Christ là “đạo chống phá nhà nước”, “đạo tự trị”, mà thực tế chúng tôi chỉ muốn theo đạo của chúa Giêsu thôi”.
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nói rằng những hạn chế này có thể dẫn đến sự đe dọa và trả thù vì các tín đồ này đã hợp tác hoặc cố gắng hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền, trong trường hợp này là SEAFORB.
Ngoài ra, các báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của các hạn chế này, có thể cản trở sự hợp tác với Liên Hợp Quốc và dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt, vẫn theo báo cáo.
Báo cáo của Tổng thư ký LHQ cũng nhắc đến trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, blogger, nhà báo độc lập, nhà hoạt động dân chủ, người đang thụ án tù 9 năm vì báo cuộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, và cơ quan này cho rằng bà đang bị chính quyền giam cầm “tùy tiện”.
Ngày 2/11/2022, các báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã nêu việc giam cầm bà Trang, bao gồm cả cáo buộc hạn chế quyền thăm tù và tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của bà.
Liên quan đến trường hợp bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ ông Nguyễn Bắc Truyển - hiện đang sống lưu vong ở Đức sau khi được chính quyền Việt Nam phóng thích vào đầu tháng này - báo cáo đề cập việc bà bị công an ngăn cản khi gặp đại diện Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trong nước vào năm 2018 và việc chính quyền không cho bà xuất cảnh đến Geneva vào năm 2019 để làm việc với Ủy ban Nhân quyền LHQ về trường hợp của chồng bà.
Theo thông tin OHCHR nhận được, bà Phượng đã bị Việt Nam đưa vào danh sách cấm xuất cảnh từ năm 2018 và không được ra nước ngoài trong thời gian này để tham dự các sự kiện quốc tế hoặc tiếp xúc với các cơ quan, cơ chế nhân quyền của LHQ.
Báo cáo trên của LHQ bao gồm các đánh giá và khuyến nghị nhằm giải quyết và ngăn chặn hành vi đe dọa và trả thù, cũng như thông tin về các cáo buộc bị đe dọa và trả thù mà cơ quan này tiếp nhận trong kỳ báo cáo từ ngày 1/5/2022 đến ngày 30/4/2023, bao gồm các diễn biến tiếp theo về các trường hợp có trong các báo cáo trước đó.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ nêu phản ứng về báo cáo này của LHQ, nhưng chưa được phản hồi.
Các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương được LHQ nêu trong báo cáo này bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Maldives, Myanmar, Pakistan, Philippines và Việt Nam.
Báo cáo này được công bố vài ngày trước cuộc gặp chính thức của Tổng Thư ký LHQ António Guterres và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 21/9 ở New York, Mỹ, trong tuần lễ cấp cao của kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ.
Tại cuộc gặp với người đứng đầu LHQ, ông Chính nói rằng Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống LHQ triển khai nhiều hoạt động hợp tác, trong đó Việt Nam “thúc đẩy công bằng và công lý”, và “thực hiện công bằng xã hội, không bỏ ai lại phía sau”, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo thường xuyên bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay vi phạm tự do tôn giáo, cho rằng các quyền tự do căn bản của công dân luôn được tôn trọng.
Diễn đàn