Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc là đã cố gắng cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của các quan chức Hoa Kỳ và giới truyền thông Mỹ trong lúc chính quyền Biden đang đàm phán thỏa thuận dẫn đến việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, theo một báo cáo mới được tổ chức Ân xá Quốc tế, tờ Washington Post, đài CNN và các hãng truyền thông Mỹ khác tung ra hôm thứ Hai (9/10).
Dự án điều tra có tên “Predator Files” (tạm dịch “Hồ sơ Predator”) là do mạng truyền thông Hợp tác Điều tra châu Âu (EIC) điều phối và có sự hợp tác về kỹ thuật của tổ chức Ân xá Quốc tế. Dự án này điều tra về liên minh Intellexa, là nhà sản xuất và tiếp thị phần mềm gián điệp Predator.
Các điều tra viên đã xem xét hàng trăm tài liệu bí mật về kỹ thuật, tài liệu tiếp thị và các hồ sơ khác mà Der Spiegel và Mediapart – một phần của EIC – thu thập được. Các tiều liệu cho biết các tin tặc liên kết với Việt Nam đã cố gắng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter) và Facebook để cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của hàng chục mục tiêu cấp cao, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các quan chức Liên Hiệp Quốc và các nhà báo CNN.
Cuộc điều tra phát hiện ra 25 quốc gia đã mua các sản phẩm xâm nhập, lén lút của Intellexa. Trong số các khách hàng, ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sĩ, Áo, Đức, Oman, Qatar, Congo, Kenya, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Pakistan, Jordan...
Theo các nhà điều tra của tổ chức Ân xá Quốc tế, công cụ hack mạnh mẽ – được thiết kế để lấy dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn từ điện thoại – đã nhắm vào các tài khoản mạng xã hội gắn với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Gary Peters và Chris Murphy, cũng như Dân biểu đảng Cộng hòa và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul.
Nhiều nhà báo CNN chuyên đưa tin về các vấn đề Đông Á cũng là mục tiêu của cuộc tấn công.
Cụ thể, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết một tài khoản ít người biết đến trên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter, đã tung ra các liên kết chứa phần mềm gián điệp tới các mục tiêu của hoạt động tin tặc trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6. Các mục tiêu bị nhắm tới là những người có hiểu biết sâu sắc và có thể hữu ích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ không thấy có bất kỳ vụ xâm nhập thành công nào bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp, nhưng những nỗ lực nhằm tấn công gián điệp vào các nhà lập pháp đầy quyền lực chỉ bằng cách đăng bài với họ sẽ làm tăng thêm mối lo ngại ở Quốc hội Mỹ về sự phổ biến của phần mềm gián điệp thương mại, theo CNN.
Những kẻ điều hành phần mềm gián điệp thường hoạt động trong bóng tối, nhưng trong trường hợp này, tin tặc không hề e ngại khi cố gắng sử dụng một nền tảng công cộng để lôi kéo mục tiêu của chúng.
Donncha Ó Cearbhaill, người đứng đầu Phòng xét nghiệm An ninh của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với CNN rằng ông và các nhà điều tra “tin chắc” vào mối liên hệ giữa tin tặc và nhà nước Việt Nam, với dẫn chứng là hồ sơ hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và một công ty liên kết với phần mềm gián điệp, đây là hồ sơ mà EIC xem được.
EIC, mạng lưới gồm hơn 10 hãng tin, và tờ Washington Post là những nơi đầu tiên đưa tin về những phát hiện của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Báo cáo điều tra nói “các đặc vụ của chính quyền Việt Nam hoặc những người đại diện cho họ có thể đứng đằng sau chiến dịch phần mềm gián điệp”.
Các nhà nghiên cứu thuộc Nhóm phân tích mối đe dọa của Google, nơi chuyên theo dõi các tin tặc được nhà nước hậu thuẫn, nói với CNN rằng tài khoản X (Twitter) phát tán phần mềm gián điệp dường như có trụ sở tại Việt Nam.
Ngoài các chính khách, chính phủ Việt Nam cũng được cho là đã cố gắng sử dụng phần mềm gián điệp Predator để truy cập dữ liệu của các phóng viên và nhân viên của các viện nghiên cứu tập trung vào châu Á trong lúc chính quyền Biden thực hiện một thỏa thuận phát triển kinh tế với các quan chức Việt Nam, theo Washington Post.
Tờ báo Mỹ cho biết thêm rằng phần mềm gián điệp được sử dụng trong nỗ lực tấn công gián điệp này rất khó phát hiện. Nếu thành công, nó có khả năng xâm phạm camera, micro và các tập tin của điện thoại thông minh, tuy nhiên có vẻ như những nỗ lực tấn công, được phát hiện sớm nhất là vào tháng 5 năm nay, dường như đã không thành công.
Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC, không trả lời ngay khi CNN đề nghị họ đưa ra bình luận.
Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao đều không trả lời ngay khi Washington Post đề nghị họ bày tỏ quan điểm.
Chính quyền Biden cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam và tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng chip bán dẫn và lực lượng lao động, những nội dung mà Nhà Trắng đã công bố vào tháng 9.
Sau khi công bố thỏa thuận về phát triển, một số nguồn tin cho biết Mỹ và Việt Nam đã tiến hành thảo luận về việc chuyển giao một lượng lớn vũ khí.
Theo Washington Post, không rõ liệu các nhà ngoại giao Mỹ có phê phán chính phủ Việt Nam hay không về nỗ lực tấn công gián điệp nhắm vào các quan chức chủ chốt, họ vẫn thường là mục tiêu bị nước ngoài rình mò để tìm các thông tin liên lạc nhạy cảm trong chính phủ Hoa Kỳ.
Báo cáo điều tra kêu gọi tất cả các chính phủ thừa nhận tác động về nhân quyền của phần mềm gián điệp và nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn việc sử dụng nó.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói việc sử dụng những sản phẩm đó để làm suy yếu nhân quyền, quyền tự do báo chí và các phong trào xã hội cho thấy chính phủ chưa có đủ các biện pháp bảo vệ trước công nghệ.
Diễn đàn