Đường dẫn truy cập

Các thế hệ người Mỹ gốc Việt chung tay bảo tồn di sản, tháo gỡ xung đột và khác biệt


Giáo sư Tường Vũ phát biểu khai mạc hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 27-28/10/2023.
Giáo sư Tường Vũ phát biểu khai mạc hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 27-28/10/2023.

Lần đầu tiên, một hội thảo quy mô lớn quy tụ nhiều người gốc Việt ở nhiều nơi, từ nhiều giới, thuộc nhiều thế hệ cùng bàn thảo về di sản của người Mỹ gốc Việt trong suốt chiều dài lịch sử, giữa bối cảnh thế hệ thứ nhất đang dần qua đi và thế hệ thứ hai đang xuất hiện trên các diễn đàn của nhiều lĩnh vực.

“Ý tưởng làm hội thảo trong hai ngày vừa qua là nhân dịp 50 năm sắp tới kỷ niệm kết thúc chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ đó là dịp thích hợp để cộng đồng chúng ta suy nghĩ thêm về quá khứ và tương lai, những gì chúng ta đã làm được và chưa làm được”, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, chia sẻ với VOA về mục tiêu đầu tiên của cuộc hội thảo do ông và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ của Đại học Oregon tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện Hoà bình Hoa Kỳ, trong hai ngày 27-28/10 vừa qua.

Tham dự hội thảo có gần 90 người, bao gồm các học giả, giáo sư nghiên cứu về chính trị, lịch sử, các chính trị gia gốc Việt, các đại diện của nhiều tổ chức người Việt ở Mỹ, các nhà hoạt động gốc Việt, đại diện cộng đồng người Việt ở nhiều nơi...

Những vết hằn cuộc chiến

Trong phần đầu và xuyên suốt cuộc hội thảo, người ta có thể thấy rất rõ những vết hằn thương đau của cuộc chiến Việt Nam trong câu chuyện của các diễn giả. Rất nhiều trong số họ đã trải qua một tuổi thơ, một thời niên thiếu khó khăn và thiếu thốn cùng cực, bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt của cải và quyền lợi, trong khi người thân của họ trong các trại cải tạo không biết ngày trở về như câu chuyện của cựu Dân biểu liên bang Cao Quang Ánh hay của cô Destiny Nguyễn, Chủ tịch tổ chức Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà. Những câu chuyện cá nhân hay cả gia đình vượt biển tìm tự do cũng đã được kể ra. Nhiều người, bao gồm cả diễn giả và cử toạ, đã rơi nước mắt…

“Từ lớp 9 sang trung học (tại Việt Nam), bạn phải thi chuyển cấp. Số điểm của tôi lúc đó đạt tiêu chuẩn được tuyển thẳng, không phải thi, vào trường chuyên nhưng tôi đã không được vào, mà phải học ở trường bình thường”, cô Destiny Nguyễn kể lại câu chuyện của mình.

Cô Destiny Nguyễn.
Cô Destiny Nguyễn.

“Vào thời điểm đó, tôi không biết gì về lý lịch của mình cho tới khi tôi sang Mỹ. Tôi không biết cha tôi đã làm gì trong quá khứ, tới khi sang Mỹ, tôi thấy lá cờ Mỹ ở khắp nơi, ngay cả trong văn phòng bác sĩ. Rồi tôi tự hỏi ‘Lá cờ của mình là gì?’. Tôi trở về hỏi cha tôi, tôi nhớ lúc bé, cứ mỗi thứ Hai họ bắt chúng tôi phải chào cờ đỏ sao vàng và hát quốc ca, tôi đã hỏi và được cha trả lời rằng ‘Không, đó không phải là lá cờ của chúng ta’. Tất nhiên, ông có lá cờ vàng ba sọc đỏ trong nhà, và ông bắt đầu kể cho tôi về câu chuyện đằng sau lá cờ đó…”, cô Destiny xúc động nói.

Theo cô Destiny, những người tị nạn Việt Nam và con cháu của họ ở Hoa Kỳ mang bản sắc chính trị là những người tị nạn chính trị. Vì vậy, “hơn bất kỳ ai khác, chúng tôi hiểu sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản và giá trị của dân chủ, tự do và nhân quyền”.

"Khi tôi nhìn lại câu chuyện của mẹ tôi, tôi thấy ở bà có ba tính cách tương đồng với cộng đồng của chúng ta. Đó là tình yêu tự do, sự kiên trì và niềm hy vọng".
Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh

Kể lại câu chuyện của người mẹ một tay gánh vác gia đình với 8 người con sau khi cha ông đi tù cải tạo, cựu Dân biểu Cao Quang Ánh nói hình ảnh của bà phản ánh một phần di sản của người Mỹ gốc Việt trong hành trình đi tìm tự do.

Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh phát biểu tại hội thảo.
Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh phát biểu tại hội thảo.

“Khi tôi nhìn lại câu chuyện của mẹ tôi, tôi thấy ở bà có ba tính cách tương đồng với cộng đồng của chúng ta”, cựu dân biểu của bang Louisiana nói tại hội thảo. Đó là tình yêu tự do, sự kiên trì và niềm hy vọng. Theo cựu Dân biểu Cao Quang Ánh, chính ba tính cách trên đã giúp cho cộng đồng người Việt ở Mỹ có được ngày hôm nay, với nhiều thành tựu, di sản và tương lai xán lạn của các thế hệ tiếp theo, mà theo ông là “không nên lo lắng” họ sẽ bị “hoà tan” vào xã hội Mỹ và đánh mất căn tính Việt Nam của mình.

Xung đột và khác biệt

Trong khi thế hệ người Việt đầu tiên đến Mỹ đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống ở Mỹ, những rào cản về ngôn ngữ, xã hội và những tổn thương trong lòng, nhiều người trong số họ ít có hoặc không có điều kiện để chia sẻ với con cái về những di sản và lịch sử cuộc chiến mà họ là một phần trong đó. Một phần lý do khác là “liệu các con có thực sự muốn nghe hay không?” như câu hỏi mà bà Vuong Quyen, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành chức “Mạng lưới hỗ trợ trẻ em quốc tế” (ICAN) ở California, đặt ra cho chính thế hệ thứ hai có mặt tại hội thảo, những người nói rằng họ không biết hoặc biết rất ít về quá khứ của cha mẹ.

Các diễn giả trẻ của thế hệ thứ hai tại hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" ở Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 28/10/2023.
Các diễn giả trẻ của thế hệ thứ hai tại hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản chiến tranh" ở Đại học Oregon, Hoa Kỳ, vào ngày 28/10/2023.

Sự khác biệt và xung đột còn xảy ra trong cái nhìn của thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ sinh ra tại Mỹ về những vấn đề liên quan đến chính trị, dù là ở Mỹ hay tại Việt Nam.

“Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội”
Diễn giả Trịnh Hội

Một số diễn giả trẻ cho biết bức tranh về Việt Nam trong tuổi thơ họ đôi khi là một bức tranh đầy màu xám của chiến tranh mà họ không muốn nghe hay biết tới, có khi lại chỉ là những điều rất đơn giản như chia sẻ của Joseph Nguyễn, 25 tuổi, Giảng viên Khoa Người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Việt học tại Đại học bang California, Fullerton.

“Khi bạn hỏi một người ở lứa tuổi của tôi rằng họ biết gì về cộng đồng người Việt, hầu hết sẽ nghĩ tới Paris by night, tới chương trình giải trí của Asia, về cửa hàng boba (trà sữa)… họ chẳng nghĩ gì đến chiến tranh Việt Nam”, Joseph nói và cho biết bản thân anh sinh trưởng ở vùng Little Saigon, nơi hầu hết cư dân là người Việt, nhưng anh cũng chẳng biết gì về Việt Nam khi bắt đầu công việc giảng dạy.

Joseph cho rằng sở dĩ thế hệ trẻ rơi vào tình trạng trên là vì không có một hệ thống giáo trình dạy cho họ trong trường học. Đó cũng chính là lý do anh, và một vài diễn giả khác, đang nỗ lực xây dựng một chương trình giảng dạy mẫu về Việt Nam để trở thành môn học về sắc tộc bắt buộc trong các trường trung học ở California.

Những khác biệt cũng được nhận thấy ngay trong cuộc hội thảo khi các diễn giả trình bày quan điểm về cộng sản Việt Nam.

Ông Trịnh Hội - diễn giả tại hội thảo.
Ông Trịnh Hội - diễn giả tại hội thảo.

Diễn giả Trịnh Hội, một nhà hoạt động xã hội từng là giám đốc của tổ chức VOICE, nơi giúp thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam, trình bày tại hội thảo những định nghĩa về “hoà giải” với quan điểm mà ông tham khảo từ nhiều người, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng, và đi đến kết luận riêng rằng “Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội”.

Mặc dù quan điểm của ông được một số người trẻ ủng hộ, cũng có quan điểm trái chiều cho rằng cộng sản không thể thay đổi và họ đã không hề thay đổi gì trong 48 năm qua.

“Đảng Cộng sản đã làm được gì trong suốt 48 năm qua? Không gì cả”, diễn giả Trần Trung Đạo, một nhà văn ở Boston, nói.

“Họ (chính quyền Cộng sản Việt Nam) mặc những chiếc áo khác nhau khi đi với những người khác nhau. Nhưng thực chất bên trong họ vẫn vậy. Chiếc áo không làm nên thầy tu”
Nhà văn Trần Trung Đạo

Theo ông, “nếu bạn nhìn thấy mọi người đi về Việt Nam dễ dàng hơn so với 20 năm trước, đó không phải là hoà giải. Chính quyền Cộng sản Việt Nam phải đi theo với thế giới, họ không thể cứ giữ nguyên những chính sách của 48 năm trước”.

Nhà văn Trần Trung Đạo.
Nhà văn Trần Trung Đạo.

Ông dẫn chứng một điều dễ nhận thấy là chính quyền Việt Nam trong suốt 48 năm qua vẫn không chịu sửa đổi Hiến pháp, mà một số nhà hoạt động lâu nay vẫn cho là có những điều vi hiến.

“Họ mặc những chiếc áo khác nhau khi đi với những người khác nhau. Nhưng thực chất bên trong họ vẫn vậy. Chiếc áo không làm nên thầy tu”, ông Trần Trung Đạo nói.

Theo ông, việc chính quyền Việt Nam mở cửa và hội nhập hơn với quốc tế chẳng qua là vì họ cần tiền, cần đầu tư và cần phải bảo đảm cho chính quyền vận hành. Ông nói một trong những nguyên nhân khiến cho chính quyền Cộng sản không chịu thay đổi là vì cộng đồng người Việt hải ngoại đã không tạo áp lực đủ để buộc họ phải thay đổi.

Hiểu để hoá giải xung đột

Mặc dù có những quan điểm khác biệt, nhưng hầu hết diễn giả và cử toạ tham dự hội thảo đều cho biết họ cảm thấy rất thú vị và biết ơn về những điều đã nghe, biết và học hỏi từ hội thảo.

Giáo sư Pierre Asselin của khoa Lịch sử Đại học San Diego nói với VOA rằng hội thảo là một kinh nghiệm “thú vị” đối với ông.

Giáo sư Pierre Asselin của khoa Lịch sử Đại học San Diago.
Giáo sư Pierre Asselin của khoa Lịch sử Đại học San Diago.

“Nó cho thấy thật nhiều những kinh nghiệm khác nhau của các thành viên cộng đồng người Việt. Nó cũng cho thấy rất nhiều quan điểm và chúng có ý nghĩa như thế nào đối với người Việt thuộc thế hệ lớn tuổi và trẻ tuổi”, GS. Asselin chia sẻ.

“Nó bổ sung cho tôi những điều mà tôi từng nghĩ là tôi đã biết về người Mỹ gốc Việt. Điều chính yếu mà tôi nhận thấy được là cộng đồng người Mỹ gốc Việt thật là đa dạng. Bây giờ thì tôi nghĩ là tôi phải rất cẩn thận khi nói về người Mỹ gốc Việt và căn tính của họ bởi vì họ có quá nhiều căn tính khác nhau. Và tôi nghĩ những xung đột giữa người già và người trẻ (gốc Việt) là vô cùng thú vị. Nhưng một điều mà tôi nhận được từ hội thảo là nó có liên quan đến các sinh viên gốc Việt của tôi. Bởi vì mỗi lần tôi giảng dạy môn học về Chiến tranh Việt Nam thì nhóm nhỏ sinh viên gốc Việt của tôi luôn khá lặng lẽ. Đó là lý do vì sao tôi muốn đến hội thảo này. Tôi muốn hiểu họ nghĩ gì, họ cảm nhận thế nào và có thể là lý do vì sao họ có mặt trong lớp học của tôi. Giờ thì tôi có được quá nhiều để mang trở về. Tôi mong chờ để có dịp thảo luận những điều tôi đã học được tại đây với các sinh viên của tôi nói chung và với các sinh viên gốc Việt của tôi nói riêng”, GS. Asselin nói thêm.

Các tác phẩm nghiên cứu về nền Cộng hoà tại Việt Nam do nhóm học giả người Việt thực hiện được giới thiệu tại hội thảo ở Đại học Oregon.
Các tác phẩm nghiên cứu về nền Cộng hoà tại Việt Nam do nhóm học giả người Việt thực hiện được giới thiệu tại hội thảo ở Đại học Oregon.

Vân Trần, một tham dự viên thuộc thế hệ thứ hai, nói với VOA rằng hội thảo phần nào đã giúp giải đáp những vấn đề không thể giải quyết của cô lâu nay về gốc gác người Việt của mình.

“Giống như một bức tranh trắng đen, mà trong đó nhiều phần đã bị mờ vì quá sáng hoặc quá tối, nó giúp điền vào những khoảng trống”, Vân Trần nói. “Được đến đây và nghe chia sẻ của mọi người cũng làm cho tôi xúc động vì nó phản ánh những trải nghiệm của bản thân tôi, đó là cuộc sống ở Mỹ có ý nghĩa như thế nào”.

Ông Từ Đức Tháo, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Oregon, nói với VOA rằng đây là lần đầu tiên ông tham dự một hội thảo quy mô như vậy trong tư cách là người đại diện cho cộng đồng địa phương.

Ông Từ Đức Tháo - Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Oregon.
Ông Từ Đức Tháo - Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Oregon.

“Nghe những người trẻ tuổi nói lên những hoài bão, nguyện vọng của chính họ và cội nguồn mà họ không quên, tôi rất lấy làm mừng vì họ không quên những khó khăn của cha mẹ trong quá khứ. Chẳng hạn, có bạn thì có cha phục vụ trong quân đội VNCH, từng trải qua những năm tháng rất khó khăn, khổ cực trong các trại cải tạo, một số bạn thì cùng với gia đình vượt biên sang Mỹ… các bạn đó đều nhớ cội nguồn của mình. Và từ những kinh nghiệm khó khăn, khổ cực của cha mẹ mà (họ) vươn lên để trở thành những giáo sư, luật sư, bác sĩ… phục vụ lại cho quê hương thứ hai của mình. Đó là một điểm son đáng ghi nhớ của cộng đồng chúng ta”, ông Từ Đức Tháo chia sẻ cảm xúc với VOA ngay sau hội thảo.

"Chúng tôi muốn có cả người già, người trẻ cùng với nhau suy nghĩ về những vấn đề tương lai. Những người trẻ quan tâm đến những vấn đề gì và họ có những khó khăn gì, và người già cũng vậy, để hiểu nhau hơn chứ không phải để xa cách nhau”
Giáo sư Vũ Tường

Ông cho biết việc gặp gỡ và lắng nghe những tiếng nói khác nhau của nhiều thế hệ tại hội thảo giúp ông học hỏi thêm nhiều điều chắc chắn sẽ rất hữu ích cho những người đang làm công việc phục vụ cộng đồng như ông.

Sau hội thảo, nhiều người đã trao đổi liên lạc với nhau, hứa hẹn hợp tác trong tương lai. GS. Vũ Tường, người chủ trì hội thảo, nói đây cũng chính là một trong những mục tiêu của hội thảo.

Đại học Oregon - nơi diễn ra hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản Chiến tranh" vào ngày 27-28/10/2023.
Đại học Oregon - nơi diễn ra hội thảo "Người Mỹ gốc Việt và Di sản Chiến tranh" vào ngày 27-28/10/2023.

“Tôi muốn tạo điều kiện cho những học giả của chúng tôi và những người hoạt động trong cộng đồng có dịp tiếp xúc, trao đổi để có thể hợp tác với nhau, thậm chí trong giới của họ với nhau, ví dụ như trong giới hoạt động với nhau nhưng có người hoạt động ở Boston, có người ở quận Cam, người ở San Jose… thì điều kiện chính trị địa phương của mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ, những dân biểu ở Oregon chẳng hạn thì theo đảng Dân chủ, nhưng ở Nam California thì có những người theo đảng Cộng hoà, còn ở Massachusetts thì có khuynh hướng Cộng hoà trung dung (moderate), nghĩa là không quá Cộng hoà nhưng ở giữa Cộng hoà và Dân chủ…, thì tôi muốn họ có điều kiện gặp nhau để trao đổi với nhau”.

Giáo sư Vũ Tường cho biết ý tưởng thực hiện một hội thảo mang tính “cầu nối” này xuất phát từ tình trạng “phân hoá và đối đầu” trong cộng đồng người Việt ở Mỹ những năm gần đây, giữa những người ủng hộ và chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, mà ông nói là một thực tế “rất đáng buồn”.

Ông nói thế hệ đầu của những người Mỹ gốc Việt thường có khuynh hướng theo đảng Cộng hoà, bảo thủ, trong khi nhiều người thuộc thế hệ trẻ lại có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ.

“Thành ra, chúng tôi muốn có cả người già, người trẻ cùng với nhau suy nghĩ về những vấn đề tương lai. Những người trẻ quan tâm đến những vấn đề gì và họ có những khó khăn gì, và người già cũng vậy, để hiểu nhau hơn chứ không phải để xa cách nhau”, GS. Vũ Tường nói.

Ông hy vọng cuộc gặp sẽ phần nào giúp những thành viên có quan điểm khác nhau trong cộng đồng có dịp được tiếp xúc trực tiếp, không phải chỉ trên Facebook, mà trong một điều kiện thoải mái trao đổi và với tinh thần kính trọng lẫn nhau, từ đó giảm bớt các xung đột trong cộng đồng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG