Ban điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 10/12 sẽ tổ chức cuộc họp khẩn hiếm thấy để bàn về cuộc khủng hoảng y tế ở Gaza và Bờ Tây, trong đó đặc phái viên Palestine đang tìm kiếm thêm viện trợ y tế và khả năng tiếp cận cho các nhân viên y tế nước ngoài.
WHO ngày 4/12 xác nhận đã nhận được yêu cầu từ 15 quốc gia về việc tổ chức phiên họp do Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập.
Đại sứ Palestine tại Liên hiệp quốc ở Geneva, ông Ibrahim Khraishi, cho biết cuộc họp sẽ tập trung chủ yếu vào Gaza, nơi bị nhận chìm trong chiến tranh giữa phe cai trị Gaza là Hamas và Israel, nhưng cũng đề cập đến các cuộc tấn công vào ngành y tế ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Ông nói với Reuters: “Chúng tôi muốn trao quyền cho WHO và kêu gọi phía Israel không nhắm mục tiêu vào lĩnh vực y tế. Chúng tôi muốn cho phép cung cấp vật tư y tế mới.”
Ông cho biết thêm rằng phái đoàn ngoại giao của ông đang soạn thảo một đề nghị để hội đồng xem xét.
‘Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng’ là một quan sát viên trong WHO chứ không phải là một quốc gia thành viên, nhưng có ảnh hưởng trong tổ chức thông qua những người ủng hộ.
Israel nói phiên họp này là một ví dụ cho thấy ‘tiêu chuẩn kép và sự quan tâm không cân xứng đối với Israel trên trường đa phương.’
Chỉ một phần nhỏ các bệnh viện ở Gaza vẫn còn hoạt động do các vụ đánh bom của Israel và do thiếu nhiên liệu, và những bệnh viện còn hoạt động đang ngày càng bị choáng ngợp trước làn sóng người bị thương.
Cơ sở dữ liệu của WHO cho thấy đã có 427 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào Israel hôm 7/10 kéo theo cuộc tấn công trả đũa của Israel sau đó.
Israel tố cáo Hamas sử dụng thường dân ở Gaza làm lá chắn sống bằng cách đặt các trung tâm chỉ huy và vũ khí bên trong bệnh viện và bên trong các tòa nhà dân sự.
Một cố vấn cấp cao của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 2/12 cho biết Israel sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho thường dân ở Gaza khi giao tranh ở đó tái diễn sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần sụp đổ.
WHO cũng cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh mà họ cho rằng có thể giết chết nhiều người hơn cả các vụ đánh bom ở Gaza, với số ca mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em đã tăng gấp khoảng trăm lần mức bình thường.
Cơ quan nhân đạo Liên hiệp quốc OCHA cho biết có 80% trong số 2,3 triệu dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.
Ban điều hành của WHO gồm có 34 thành viên và thường họp vào tháng 1 hàng năm để ấn định chương trình nghị sự cho hội nghị thường niên. Tư cách thành viên được phân chia giữa các nhóm khu vực.
Diễn đàn