Hoa Kỳ đang theo dõi các tin tức về việc tàu chiến Trung Quốc cập cảng Campuchia và bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Bắc Kinh nhằm độc quyền kiểm soát các phần của căn cứ hải quân chính ở đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết hôm 6/12.
Đài Á Châu Tự do (RFA) hôm 5/12 loan tin các tàu chiến Trung Quốc đã đến Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia và dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Seiha, từ dòng tin đăng trên Facebook rằng đây là “sự chuẩn bị cho hoạt động huấn luyện” của Hải quân Campuchia.
RFA cho biết chuyến thăm của tàu chiến trùng hợp với các cuộc gặp tại Phnom Penh đầu tuần này giữa các nhà lãnh đạo Campuchia với ông He Weidong, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan chỉ huy quân sự hàng đầu của Bắc Kinh.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington đang theo dõi các tin tức và nói thêm: “Mặc dù chúng tôi không có bình luận nào về diễn biến cụ thể này, nhưng chúng tôi thực sự lo ngại về kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát độc quyền các phần của Căn cứ Hải quân Ream.”
Hoa Kỳ thúc giục Campuchia đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không được phép “hiện diện hoặc có công nghệ nhạy cảm” tại Ream để “làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, trái với hiến pháp của nước này và ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”, quan chức này cho biết.
Trong thuật ngữ quân sự, “sự hiện diện hoặc công nghệ nhạy cảm” thường đề cập đến radar hoặc các khả năng giám sát khác.
RFA cho biết không rõ có bao nhiêu tàu chiến Trung Quốc cập cảng Ream, nhưng những hình ảnh trên trang Facebook của ông Tea Seiha dường như cho thấy ít nhất hai chiếc. Nguồn tin này nói các hình ảnh vệ tinh từ ngày 3/12 cũng cho thấy hai tàu, có thể là tàu hộ tống hoặc tàu khu trục, tại một bến tàu mới ở đó.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Quyết định của Campuchia cho phép Trung Quốc phát triển Căn cứ Hải quân Ream đã khiến Washington khó chịu và các nước láng giềng lo ngại điều này sẽ mang lại cho Bắc Kinh một tiền đồn mới gần Biển Đông đang tranh chấp.
Ngũ Giác Đài tin rằng các kế hoạch mở rộng căn cứ Ream bao gồm việc sử dụng độc quyền phần phía bắc cho quân đội Trung Quốc và cho biết cả hai nước đều không chia sẻ đầy đủ thông tin chi tiết về quy mô của kế hoạch. Washington cho rằng điều này cho thấy sự thiếu minh bạch.
Chuyên gia về Biển Đông, Gregory Poling, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết mối quan tâm chính của Mỹ và các đối tác sẽ là bất kỳ thiết bị radar nào mà Trung Quốc có thể lắp đặt tại Ream.
Chuyên gia này nói: “Các khía cạnh hải quân của căn cứ này không phải là mối lo ngại đặc biệt đối với Mỹ, chẳng hạn như không đưa tàu Trung Quốc đến gần eo biển Malacca hơn những căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa.”
“Họ sẽ khiến Thái Lan và Việt Nam lo ngại một chút, nhưng câu hỏi thực sự sẽ là những khả năng nào sẽ được xây dựng ở nửa phía bắc của căn cứ được dành riêng cho Trung Quốc sử dụng. Chẳng hạn, khả năng cảm biến ở đó sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc đối với Vịnh Thái Lan và phía đông Ấn Độ Dương.”
Campuchia đã bác bỏ những lo ngại rằng nước này sẽ cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên đất của mình, nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở ở Ream, trong khi nước này sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ bất kỳ ai.
Vào năm 2020, Campuchia cho biết họ đã san bằng một cơ sở do Mỹ tài trợ tại Ream để mở rộng ở đó.
Diễn đàn