Israel hôm thứ Sáu 12/1 bác bỏ những cáo buộc mà Nam Phi đưa ra tại tòa án hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, gọi đó là những điều sai trái và “bóp méo một cách trắng trợn”. Nam Phi đã tố cáo rằng hoạt động quân sự của Israel ở Gaza là một chiến dịch diệt chủng do nhà nước lãnh đạo chống lại người dân Palestine. Israel kêu gọi các thẩm phán bác bỏ yêu cầu của Nam Phi là ra lệnh ngừng tấn công, nói rằng làm như vậy sẽ khiến họ không có khả năng tự vệ.
Nam Phi, nước đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào tháng 12, vào ngày 11/1 yêu cầu các thẩm phán ở La Haye áp dụng các biện pháp khẩn cấp ra lệnh cho Israel dừng ngay cuộc tấn công.
Nam Phi nói cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel, đã tàn phá phần lớn khu vực và giết chết hơn 23.000 người (theo các cơ quan y tế Gaza), là nhằm mục đích “hủy diệt dân chúng” ở Gaza.
Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Israel, Tal Becker, nói trước tòa rằng cách diễn giải của Nam Phi về các sự kiện là những điều “hoàn toàn bị bóp méo”.
“Nếu có hành vi diệt chủng thì đó là hành động chống lại Israel”, ông nói. “Hamas đã tìm cách diệt chủng đối với Israel”.
Công ước Diệt chủng năm 1948, được ban hành sau vụ thảm sát hàng loạt người Do Thái của Đức Quốc xã, còn gọi là Holocaust, định nghĩa diệt chủng là “những hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”.
Israel đã phát động cuộc chiến ở Gaza sau khi xảy ra vụ tấn công xuyên biên giới vào ngày 7/10 của các chiến binh Hamas, lực lượng thề sẽ tiêu diệt Israel. Các quan chức Israel nói có 1.200 người đã thiệt mạng, chủ yếu là dân thường và 240 người bị bắt làm con tin ở Gaza.
Ông Becker nói: “Sự đau khổ kinh hoàng của thường dân, cả Israel và Palestine, trước hết là kết quả của chiến lược của Hamas”, đồng thời thêm rằng Israel có quyền tự vệ.
Hamas phủ nhận cáo buộc của Israel rằng các chiến binh của họ lẩn trốn trong dân thường, hiện chiếm phần lớn số thương vong ở Gaza.
“Israel đang tiến hành cuộc chiến phòng thủ chống lại Hamas chứ không phải chống lại người dân Palestine”, ông Becker nói. “Thành phần chính của nạn diệt chủng, mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một dân tộc, là hoàn toàn không có”.
“Diệt chủng”
Israel lập luận rằng điều này có nghĩa là tòa án không có thẩm quyền theo Công ước diệt chủng để ra lệnh cho nước này dừng các hoạt động quân sự ở Gaza.
“Đây không phải là tội diệt chủng, Nam Phi chỉ kể cho chúng ta một nửa câu chuyện”, Luật sư Malcolm Shaw nói.
Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết về các biện pháp khẩn cấp có thể thực hiện vào cuối tháng này, nhưng sẽ không đưa ra phán quyết vào thời điểm đó về các cáo buộc diệt chủng. Những thủ tục tố tụng này có thể mất nhiều năm. Các quyết định của ICJ là quyết định cuối cùng và không có kháng cáo, nhưng tòa án không có biện pháp nào để cưỡng buộc trong việc thi hành án.
Những người ủng hộ Palestine đã cầm cờ tuần hành qua La Haye và theo dõi quá trình tố tụng trên một màn hình khổng lồ phía trước Cung Hòa bình. Khi phái đoàn Israel phát biểu trước tòa, họ hô vang: “Nói dối! Nói dối!”
Israel nói Nam Phi đang đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của phong trào Hồi giáo Hamas, nhóm bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và một số quốc gia khác coi là nhóm khủng bố. Nam Phi bác bỏ cáo buộc này.
Kể từ khi lực lượng Israel bắt đầu cuộc tấn công, gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa ít nhất một lần, dẫn đến thảm họa nhân đạo.
Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc từ lâu đã ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, một mối quan hệ được hình thành khi cuộc đấu tranh của Đại hội Dân tộc châu Phi chống lại sự cai trị của người da trắng thiểu số được Tổ chức Giải phóng Palestine của ông Yasser Arafat ủng hộ.
Mandla Mandela, cháu trai của cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, phát biểu tại một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở Cape Town rằng: “Ông nội tôi luôn coi cuộc đấu tranh của người Palestine là vấn đề đạo đức lớn nhất của thời đại chúng ta”.
Diễn đàn