Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã phê duyệt giai đoạn thứ ba của quá trình hiện đại hóa quân đội, bao gồm việc mua tàu ngầm đầu tiên của nước này, nhằm bảo vệ chủ quyền hàng hải ở khu vực Biển Đông tranh chấp.
Người phát ngôn Hải quân của Biển Tây Philippines (Biển Đông), Roy Trinidad, hôm thứ Năm nói giai đoạn hiện đại hóa thứ ba phản ánh sự thay đổi trong chiến lược từ phòng thủ bên trong sang phòng thủ bên ngoài.
“Chúng tôi có thể không phải là một lực lượng hải quân lớn... nhưng chúng tôi sẽ có một lực lượng hải quân có thể bảo vệ các quyền lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi”, ông Trinidad nói.
Ông cho biết giai đoạn thứ ba của kế hoạch hiện đại hóa, vốn đã trải qua những sửa đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của đất nước, ước tính trị giá 2 nghìn tỷ peso (35,62 tỷ USD) và sẽ được thực hiện trong thời gian vài năm.
Thông báo này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ông Trinidad không thể cho biết ngay lập tức Philippines dự định mua bao nhiêu tàu ngầm, nhưng ông nói “chắc chắn là nhiều hơn một”.
Ông cho biết Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Ý đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp tàu ngầm cho Philippines.
Các nước láng giềng Đông Nam Á như Indonesia và Việt Nam đã có chương trình tàu ngầm.
Theo ông Trinidad, trong khi giai đoạn đầu tiên và thứ hai của kế hoạch hiện đại hóa quân đội lấy “trên bộ làm trung tâm”, thì giai đoạn thứ ba sẽ tìm cách tăng cường khả năng quân sự trên Biển Tây Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cho biết vào tháng trước rằng các thương vụ mua sắm giai đoạn thứ ba sẽ tập trung vào một loạt khả năng, từ nhận thức về miền, tình báo, khả năng răn đe trong không gian hàng hải và trên không.
Bắc Kinh và Manila đã đưa ra những cáo buộc gay gắt lẫn nhau trong những tháng gần đây vì các vụ tranh chấp liên tiếp ở Biển Đông, nơi mỗi bên đều có các yêu sách chủ quyền chồng chéo, bao gồm cả cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc hồi tháng 12 đã đâm vào một con tàu chở Tư lệnh quân đội Philippines.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông, trong khi Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Indonesia cũng có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong khu vực này. Một tòa án quốc tế vào năm 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong phán quyết về vụ kiện do Philippines đưa ra, nhưng Bắc Kinh bác bỏ phán quyết đó.
Diễn đàn