Đường dẫn truy cập

Reuters: Đàm phán về vệ tinh Starlink giữa Việt Nam và SpaceX bị tạm hoãn


Người sáng lập SpaceX và Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, phát biểu qua màn hình tại Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, ngày 29/6/2021. Theo Reuters, kế hoạch cung cấp vệ tinh Starlink của SpaceX cho Việt Nam đang bị hoãn lại.
Người sáng lập SpaceX và Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, phát biểu qua màn hình tại Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, ngày 29/6/2021. Theo Reuters, kế hoạch cung cấp vệ tinh Starlink của SpaceX cho Việt Nam đang bị hoãn lại.

Kế hoạch cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc cho Việt Nam bằng các vệ tinh Starlink của công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã bị hoãn lại, Reuters dẫn ba nguồn tin am tường cho biết hôm 29/2, đồng thời nói thêm rằng việc hỗ trợ cho thiết bị bay không người lái (drone) cho cảnh sát biển Việt Nam cũng bị hoãn lại.

Việt Nam đang có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng internet sau khi xảy ra sự cố 5 tuyến cáp quang lớn dưới nước ngừng hoạt động gần đây. Việt Nam cũng cần dịch vụ vệ tinh cho các khu vực miền núi rộng lớn và trên biển, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp với Trung Quốc về các ranh giới.

Một nguồn tin trong ngành được báo cáo về các cuộc thảo luận cho biết các cuộc đàm phán giữa công ty của tỷ phú Elon Musk và chính quyền Việt Nam đã diễn ra trong nhiều tháng, và các quan chức của SpaceX đã tham gia vào một phái đoàn doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tới Việt Nam vào tháng 3 năm ngoái.

Một quan chức Việt Nam xác nhận SpaceX và đại diện Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức một số cuộc họp ít nhất là từ giữa năm ngoái cho đến tháng 11/2023.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã bị gián đoạn vào quý cuối cùng của năm 2023 khi có thông tin rõ ràng rằng các nhà lập pháp ở quốc gia do Cộng sản cai trị sẽ không nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với SpaceX, nguồn tin trong ngành nói với Reuters.

Một quan chức Việt Nam thứ hai cho biết việc đình chỉ đàm phán đã dẫn đến sự gián đoạn bắt đầu từ tháng 11 đối với các dịch vụ thí điểm của Starlink dành cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, vốn sử dụng vệ tinh để dẫn đường cho thiết bị bay không người lái ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan, bắt đầu từ tháng 11.

Không có nguồn tin nào biết liệu các cuộc đàm phán có tiếp tục nữa hay không.

Ba nguồn tin của Reuters, một từ khu vực tư nhân và hai từ các cơ quan nhà nước Việt Nam, đều từ chối nêu tên vì thông tin không được công khai.

SpaceX, Bộ thông tin Truyền thông và Bộ Quốc phòng Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.

Nguồn tin trong ngành cho biết SpaceX đang tìm kiếm một ngoại lệ đối với các quy định của Việt Nam trong việc giới hạn quyền sở hữu nước ngoài đối với 50% cổ phần không kiểm soát của các công ty viễn thông có cơ sở hạ tầng mạng.

Tuy nhiên, việc sửa đổi luật viễn thông của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 11 đã không giảm bớt các giới hạn.

Trong dự thảo nghị định được ban hành vào tháng 2 nhằm thực thi luật sửa đổi, các cơ quan chức năng đã bổ sung những yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh về sự hiện diện tại địa phương và kiểm soát lưu lượng dữ liệu.

Nguồn tin trong ngành cho biết SpaceX cũng đã thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tiền đồn quân sự.

Theo dữ liệu từ các dịch vụ theo dõi tàu, các tàu Trung Quốc, bao gồm tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu, thường xuyên đi qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, gây ra những phản đối từ Hà Nội.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Việt Nam, kéo dài khoảng 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển của Việt Nam.

Tháng trước, một bài xã luận trên một trong những ấn phẩm quân sự của Trung Quốc mô tả việc triển khai Starlink là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh tài sản không gian của nhiều quốc gia”.

Bộ quốc phòng Trung Quốc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG