Đường dẫn truy cập

Ấn Độ phản đối Trung Quốc đổi tên 30 địa điểm ở bang biên giới Himalaya


Đèo Himalayan Sela ở Tawang, thuộc bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ.
Đèo Himalayan Sela ở Tawang, thuộc bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ.

Ấn Độ hôm thứ Ba bác bỏ việc Trung Quốc đổi tên khoảng 30 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc dãy Himalaya, gọi động thái này là “vô nghĩa” và tái khẳng định rằng tỉnh biên giới này là một phần “không thể tách rời” của Ấn Độ.

Bắc Kinh nói Arunachal Pradesh, nơi họ gọi là Tạng Nam, là một phần của Nam Tây Tạng, một tuyên bố mà New Delhi đã nhiều lần bác bỏ. Trung Quốc cũng đã làm gia tăng căng thẳng tương tự cách đây một năm bằng cách đặt tên tiếng Trung cho 11 địa điểm trong bang.

Quân đội của hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đã tham gia vào các cuộc ẩu đả nhỏ dọc theo biên giới tranh chấp của họ ở bang này vào tháng 12/2022 và căng thẳng đã giảm bớt sau các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự sâu rộng.

Tuy nhiên, bang biên giới vẫn là nguyên nhân thường xuyên gây ra xích mích giữa hai quốc gia khổng lồ châu Á, mà mối quan hệ của họ đã rạn nứt kể từ cuộc đụng độ biên giới đẫm máu giữa quân đội hai nước ở phía tây dãy Himalaya vào năm 2020.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Trung Quốc nói họ đã tiêu chuẩn hóa tên của khoảng 30 địa điểm ở nơi mà họ gọi là Nam Tây Tạng, “phù hợp với các quy định liên quan về quản lý địa danh của Hội đồng Nhà nước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Randhir Jaiswal, hôm thứ Ba nói: “Việc đặt những cái tên được sáng chế ra sẽ không làm thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần thuộc về và không thể tách rời của Ấn Độ”.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với các phóng viên rằng “việc đổi tên sẽ không có tác dụng gì”.

“Nếu tôi đổi tên nhà của bạn thì nó có trở thành nhà của tôi không?”, ông nói.

Tháng trước, sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới bang này để khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã tuyên bố phản đối các hoạt động của ông trong khu vực. Ấn Độ gọi những lập luận này là “vô căn cứ”.

Hoa Kỳ cũng cân nhắc về vấn đề này, nói rằng họ công nhận Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ và “phản đối mạnh mẽ” bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm đưa ra yêu sách đối với khu vực này bằng “việc xâm nhập hoặc xâm lấn” quân sự hoặc dân sự.

Trung Quốc đã phản đối những bình luận này, nói rằng vấn đề này “không liên quan gì đến Mỹ”.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.800 km (2.400 dặm), phần lớn được phân định không rõ ràng. Hai bên cũng đã xảy ra một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1962 vì tranh chấp biên giới.

Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong trận chiến tay đôi vào năm 2020, khiến cả hai nước phải củng cố các căn cứ và triển khai thêm binh lính, thiết bị dọc biên giới.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG