Năm người, trong đó có một trẻ em, đã chết đuối khi cố gắng vượt eo biển từ Pháp sang Anh hôm 23/4, vài giờ sau khi Anh thông qua dự luật trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda nhằm ngăn chặn những cuộc vượt biển nguy hiểm.
Vụ chết đuối xảy ra sau khi một chiếc thuyền nhỏ chở khoảng 110 người đi qua một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới. Lực lượng tuần duyên Pháp vẫn đang tìm kiếm những người sống sót.
“Một thảm kịch đã xảy ra trên một chiếc thuyền chở quá tải người di cư vào sáng sớm nay. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về cái chết của 5 người, một bé gái 7 tuổi, một phụ nữ và 3 người đàn ông,” Cảnh sát trưởng địa phương Jacques Billant nói với các phóng viên.
Ông Billant cho biết thêm rằng “động cơ của chiếc thuyền ngừng hoạt động khi cách bờ vài trăm mét và nhiều người đã rơi xuống nước”.
Ông cho biết lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng đến nơi và cứu được 47 người. Bốn người được đưa đến bệnh viện và tính mạng của họ không gặp nguy hiểm.
“Có 57 người khác vẫn ở lại trên thuyền”, ông Billant cho biết. “Họ không muốn được giải cứu, họ cố gắng khởi động lại động cơ và hướng về phía Anh”.
Chiếc thuyền đã rời Wimereux, cách Calais khoảng 32kmvề phía tây nam.
Một chiếc thuyền của lực lượng biên phòng Anh chở hơn 20 người di cư mặc áo phao được nhìn thấy ngoài khơi bờ biển Dover, miền nam nước Anh, cách bờ biển Pháp khoảng 32km. Hiện chưa rõ những người di cư này khởi hành từ đâu.
Những nỗ lực vượt eo biển Manche diễn ra vài giờ sau khi quốc hội Anh thông qua luật cho phép chính phủ gửi những người xin tị nạn đến Rwanda thay vì ở lại Anh để xử lý.
Ngăn chặn dòng người di cư là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong đó kế hoạch gửi người sang Rwanda đóng vai trò răn đe những người khác. Các nhóm nhân quyền và các nhà phê bình cho rằng điều đó là vô nhân đạo.
Cả cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng châu Âu hôm 23/4 đều kêu gọi Vương quốc Anh suy nghĩ lại các kế hoạch của mình vì lo ngại rằng luật này làm suy yếu các biện pháp bảo vệ nhân quyền và rằng nó sẽ làm tổn hại đến sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu.
“Luật mới đánh dấu một bước đi xa so với truyền thống lâu đời của Vương quốc Anh là cung cấp nơi ẩn náu cho những người có nhu cầu, vi phạm Công ước về người tị nạn”, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi nói trong một tuyên bố. “Việc bảo vệ người tị nạn đòi hỏi tất cả các quốc gia – không chỉ những khu vực khủng hoảng lân cận – phải thực hiện nghĩa vụ của mình”’
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Hạ viện Anh từ bỏ nỗ lực sửa đổi luật, mở đường cho nó trở thành luật.
Ông Michael O’Flaherty, ủy viên nhân quyền của Hội đồng châu Âu, chỉ trích đạo luật vì nó ngăn cản những người xin tị nạn yêu cầu tòa án can thiệp khi họ bị đe dọa sẽ bị đưa trở lại các quốc gia mà họ đang chạy trốn.
“Việc Quốc hội Anh thông qua Dự luật An toàn (Tị nạn và Nhập cư) Rwanda đặt ra những vấn đề lớn về nhân quyền của những người xin tị nạn và pháp quyền nói chung”, ông O’Flaherty nói trong một tuyên bố. “Chính phủ Vương quốc Anh nên dừng việc chuyển người đi theo đạo luật Rwanda và đảo ngược hành vi vi phạm tính độc lập tư pháp của dự luật”.
Đề cập đến những cái chết mới nhất của người di cư trên biển, Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly nói “Những thảm kịch này phải chấm dứt”.
Phát biểu sau khi dự luật được thông qua tại quốc hội, Thủ tướng Sunak nói trọng tâm hiện nay là đưa các chuyến bay rời khỏi mặt đất đến Rwanda. Dự luật dự kiến sẽ nhận được sự đồng ý của Hoàng gia trong tuần này, nghĩa là nó đã được thông qua thành luật. Ông Sunak cho biết ông dự kiến các chuyến bay sẽ khởi hành trong vòng 10 đến 12 tuần.
“Tôi nói rất rõ ràng rằng sẽ không có gì cản trở chúng ta thực hiện điều đó và cứu sống nhiều mạng người,” ông nói trong một tuyên bố.
Những người tị nạn – nhiều người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông và Châu Á – bắt đầu đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ vào năm 2018.
Hơn 6.000 người đã đến Anh trong năm nay, tăng khoảng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ việc tồi tệ nhất xảy ra vào tháng 11 năm 2021 khi 27 người di cư thiệt mạng khi chiếc xuồng cao xu bơm hơi của họ bị lật gần Calais.
Kênh đào này là một trong những tuyến đường vận chuyển tấp nập nhất thế giới và dòng hải lưu rất mạnh, khiến việc vượt biển bằng thuyền nhỏ trở nên rất nguy hiểm.
Những kẻ buôn người thường chở quá tải người trên các con thuyền, khiến chúng gần như muốn chìm và có nguy cơ bị sóng đánh lật khi cố gắng tới được bờ biển Anh.
Chuyến bay trục xuất đầu tiên tới Rwanda vào tháng 6/2022 đã bị các thẩm phán châu Âu chặn lại. Tòa án Tối cao Anh sau đó đã giữ nguyên phán quyết rằng chương trình này là bất hợp pháp vì người di cư có nguy cơ bị đưa trở lại quê hương hoặc các quốc gia khác, nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi.
Cựu Thủ tướng Boris Johnson lần đầu tiên đề xuất kế hoạch Rwanda hơn hai năm trước, khi ông đạt được thỏa thuận với quốc gia Đông Phi này để chấp nhận một số người xin tị nạn để đổi lấy hàng triệu bảng Anh (hàng triệu đô la) viện trợ. Việc thực hiện đã bị cản trở bởi một loạt thách thức của tòa án và sự phản đối của những người ủng hộ người di cư, những người cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế.
Những người bị trục xuất sẽ đủ điều kiện xin tị nạn ở Rwanda nhưng họ không được phép quay trở lại Anh.
Chính phủ Rwanda hoan nghênh việc phê duyệt dự luật, nói rằng nó nhấn mạnh việc họ đã làm để giúp Rwanda “an toàn và an ninh” kể từ khi xảy ra nạn diệt chủng tàn phá đất nước này 30 năm trước.
“Chúng tôi cam kết hợp tác phát triển kinh tế và di cư với Vương quốc Anh và mong được chào đón những người tái định cư đến Rwanda,” người phát ngôn của chính phủ Rwanda, Yolande Makolo, nói.
Diễn đàn