Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm Liên minh châu Âu khó chịu khi hoãn cuộc họp vào tuần tới với quan chức hàng đầu của EU về các biện pháp trừng phạt Nga, trước chuyến thăm Hà Nội có thể diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Reuters đưa tin hôm 9/5.
Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong quan hệ với các cường quốc thế giới. Hà Nội đã tránh lên án việc Nga tấn công Ukraine, một quan điểm mà các nước phương Tây cho là quá gần gũi với Điện Kremlin.
Đặc phái viên thực thi các lệnh trừng phạt của EU, ông David O’Sullivan, sẽ đến thăm Đông Nam Á vào tuần tới và dự kiến gặp các quan chức Việt Nam vào ngày 13-14/5, nhưng Hà Nội yêu cầu hoãn cuộc gặp “vì các nhà lãnh đạo quá bận để gặp ông”, một nhà ngoại giao nắm rõ tình hình cho hãng thông tấn Anh biết.
Ba nhà ngoại giao khác xác nhận với Reuters về việc hoãn lại chuyến thăm, trong đó một người cho biết Việt Nam đã đề xuất thời điểm tháng 7 để thay thế.
Hai trong số các nhà ngoại giao và một người khác am tường về các cuộc thảo luận cho rằng sự chậm trễ này có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm có thể diễn ra của ông Putin tới Việt Nam. Một nguồn tin nói chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga có thể bị “phá hỏng” bởi bất kỳ cuộc đàm phán nào với đặc phái viên EU.
Ngay sau khi Reuters đưa tin về vấn đề này, phái đoàn ngoại giao EU tại Hà Nội đã ra tuyên bố mô tả việc hoãn cuộc họp là “đáng thất vọng” và cho biết họ đang thảo luận về ngày họp mới với chính quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nga tại Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Việt Nam mời ông Putin
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần mời ông Putin đến Việt Nam trong những tháng gần đây, bất chấp việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga vào tháng 3/2023 với cáo buộc gây tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Việt Nam không phải là thành viên của ICC.
Tuần trước, đại sứ Nga tại Việt Nam, Gennady Bezdetko, được cho là đã nói rằng ông Putin đã nhận lời mời và ngày diễn ra chuyến thăm sẽ được quyết định sau lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm của ông vào ngày 7/5, theo truyền thông nhà nước Việt Nam.
Lần gần đây nhất ông Putin tới Việt Nam là vào năm 2017.
Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác trữ lượng khí đốt của Việt Nam ở Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
EU, một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.
Công việc của ông O’Sullivan liên quan đến việc đảm bảo rằng các quốc gia không giúp đỡ Nga hoặc các quốc gia bị trừng phạt khác lách các biện pháp trừng phạt của EU, chẳng hạn bằng cách cung cấp cho Moscow hàng hóa có công dụng kép có thể được sử dụng cho các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.
Không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đề nghị giúp đỡ Nga trong cái mà Điện Kremlin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Một số nhà ngoại giao cho biết sẽ khó phát hiện bất kỳ giao dịch thương mại nào giữa Việt Nam và Nga có thể vi phạm lệnh trừng phạt, đặc biệt nếu liên quan đến chip hoặc các linh kiện nhỏ khác.
Diễn đàn