Giá vé máy bay nội địa tăng cao trong thời gian qua đã tác động rõ rệt đối với ngành du lịch, khiến nhiều người giờ đây lựa chọn những điểm đến trong phạm vi lái xe để tránh tiêu tốn hàng chục triệu đồng tiền vé máy bay cho cả gia đình đi nghỉ dưỡng.
Chị Nguyễn Thanh Thư, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội, cho biết kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày vừa qua, gia đình chị lựa chọn giải pháp ở nhà nghỉ ngơi dù Hà Nội lúc đó đang trải qua đợt nắng nóng lên tới 40 độ C thay vì có những chuyến đi tới những vùng du lịch biển Nha Trang hay Phú Quốc như mọi năm. Chị giải thích nếu đi những điểm du lịch trong phạm vi lái xe như Quảng Ninh, Thanh Hóa hay Nghệ An thì biển không đẹp, chất lượng dịch vụ không thoả mãn nhu cầu, còn đi xa thì tiền vé máy bay cho cả gia đình 4 người là không thể chấp nhân được.
“Đi thì nó đắt quá ý, tự dưng nó đắt tới gấp rưỡi, gấp đôi lên thì ai mà người ta chịu được. Nên phải hạn chế lại, chứ đi có mấy ngày cho 4 người trong nhà về có khi chết toi, vỡ trận luôn ý chứ,” chị Thư chia sẻ và cho biết nếu bay vào Phú Quốc thì tiền vé khứ hồi cho cả gia đình là khoảng 30 triệu đồng, chưa kể ăn ở.
Dễ tính hơn trong việc lựa chọn điểm đến, anh Nguyễn Hồng Quang, một cư dân sinh sống tại quận Ha Bà Trưng, cho biết năm nay gia đình anh cũng không vào Đà Nẵng nghỉ như mọi năm nữa vì chi phí quá cao. Ngay từ đầu tháng 3, anh đã tìm hiểu và lựa chọn điểm đến hợp lý cho gia đình để vừa tiết kiệm chi phí đi lại, trẻ con vẫn có thể tắm biển mà lại không bị quá đông đúc và không bị ‘chặt chém’.
“Mình cho vợ con đi đảo Quan Lạn mấy ngày, đi cái đảo đấy nó sạch mà bây giờ đường cao tốc hết rồi, chạy từ Hà Nội đến Móng Cái mất có 4 tiếng thôi chứ không như xưa,” anh Quang cho biết.
Nhiều gia đình khác thà đi du lịch nước ngoài thay vì tìm tới với những điểm đến trong nước vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ. Họ cho biết bây giờ đi Thái Lan hay Trung Quốc du lịch lại rẻ hơn đi trong nước rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Trung, một cán bộ về hưu sinh sống tại Tp.HCM cho biết hai vợ chồng ông không tham gia tour Hà Nội, Sapa, Hạ Long như dự định mà chuyển sang điểm đến khác có giá hợp lý hơn.
“Mấy người nói là đi Hà Nội, Sapa với Vịnh Hạ Long đều trên 20 triệu/người cả mà. Trong khi mình đi Trung Quốc với điểm đến là Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến trong 7 ngày 6 đêm mà chỉ có 19 chưa tới 20 triệu/người. Theo tôi là quá rẻ,” ôngTrung cho biết.
Anh Nguyễn Thành Nam, một phóng viên chuyên mảng văn hóa du lịch cho một cơ quan báo chí tại Hà Nội, cho biết kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua anh có vào Nha Trang du lịch và thấy chỉ có những resort và khách sạn ở trục đường chính giáp biển của thành phố là khá đông đúc, còn lại hầu hết các khách sạn và resort vẫn chưa đạt được 50% công suất phòng.
“Chủ yếu khách của Nha Trang là khách Trung Quốc, khách Nga nhưng giờ khách Trung Quốc giảm đến 80%, khách Nga thì hầu như không có nữa. Trong khi đó khách nội địa thì giá vé máy bay cao nên ai người ta tới đâu,” anh Nam nói.
Ký giả này cho biết có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch mà anh biết doanh thu giờ cả tháng chỉ bằng doanh thu 1 ngày trong mùa cao điểm du lịch biển cách đây mấy năm.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ ăn nghỉ tại khu vực phía Nam cũng đang gặp không ít khó khăn.
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cơ sở lữ hành kiêm dịch vụ khách sạn tại Quy Nhơn, cho biết trong thời gian gần đây giá tour Hà Nội – Quy Nhơn do doanh nghiệp của chị tổ chức đã phải tăng tới gần 50% vì giá vé máy bay tăng cao, nên ít thu hút được khách hàng.
“Tour đi toàn ở khách sạn 4 – 5 sao ăn uống thoải mái mà chi phí chỉ có 4 triệu/người cho 3 ngày 2 đêm trong khi giá vé máy bay cũng đã 4 triệu/người. Như vậy là tiền vé máy bay đã bằng tất tật các chi phí khác cộng lại.”
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, khách sạn của chị Hương cũng chỉ đạt trên 40% công suất phòng, tức là ‘chỉ trên điểm đủ trang trải chi phí’, chị cho biết.
“Chỉ thu hút được những dân lân cận họ đến thôi, mà đối tượng khách này thì họ không ở dài ngày. Thậm chí họ chỉ tới trong ngày, chiều họ lái xe về. Cái khách đi máy bay ở dài ngày và chi tiêu nhiều thì họ không đến”, chị Hương chia sẻ.
Truyền thông nhà nước dẫn tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé máy bay tăng chủ yếu là do giá nhiên liệu lên cao, chênh lệch tỉ giá, việc triệu hồi động cơ máy bay của nhà sản xuất khiến số lượng máy bay được khai thác giảm, giá thuê máy bay tăng cao, đặc biệt trong mùa cao điểm khi các hãng hàng không phải đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong tình trạng thiếu máy bay và thường phải bay những chuyến không có khách về những thành phố lớn để vận chuyển khách đi.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng giá vé máy bay hiện vẫn ở dưới mức giá trần được quy định.
Nhiều người cho rằng lý giải của Cục Hàng không Việt Nam không thuyết phục khi mà Thái Lan, một nước trong cùng khu vực, ngay cả trong những mùa cao điểm, giá vé máy bay của Thái vẫn rẻ hơn nhiềudo số lượng hãng hàng không khai thác ở Thái Lan rất nhiều, tính cạnh tranh cao, và người hưởng lợi tất nhiên sẽ là khách hàng.
Báo chí trong nước cho hay Bộ Trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng hôm 3/5 đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra công tác bán vé, kê khai, niêm yết giá, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng, không để tăng giá vé trái quy định. Bộ yêu cầu khi phát hiện bất thường phải xử lý ngay và báo cáo về Bộ trước ngày 10/5.
Diễn đàn