Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường và giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045 của đất nước.
Mỹ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách 12 nước mà Hoa Kỳ coi là các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Trung Quốc và Nga. Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7.
Đề nghị được ông Quang đưa ra trong buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, vào chiều 18/6, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Tại buổi tiếp ở Hà Nội, ông Quang đã “đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu phát triển đến năm 2045 cũng như các mục tiêu, cam kết quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh…”, bản tin cho hay.
Ông Quang là quan chức mới nhất của Việt Nam đưa ra lời kêu gọi mà trước đó đã được nhiều lãnh đạo của Việt Nam đưa ra trong nhiều dịp, gồm cả tại các diễn đàn ở Mỹ hay khi tiếp xúc với các quan chức Mỹ tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Đại sứ Knapper đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, đặc biệt đối với sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
Về phần mình, Đại sứ Knapper nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc thực hiện các cam kết song phương cũng như khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao có sự khởi đầu nhanh chóng sau khi hai bên nâng cấp quan hệ.
Nhà ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ ủng hộ và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, theo TTXVN.
Hai bên cũng đồng ý sẽ gia tăng chia sẻ, trao đổi thông tin để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác giữa hai nước.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 8/5 đã tiến hành các phiên điều trần để xác định xem Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không. Các cuộc thảo luận này, được tổ chức trực tuyến từ Washington DC, có sự tranh luận từ những người ủng hộ và những người phản đối chỉ định này.
Đây là một phần trong quá trình đánh giá đang diễn ra, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7, và được xem là một bước quan trọng trong việc xác định vị thế kinh tế của Việt Nam trên toàn cầu, theo Reuters.
Năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ủng hộ cho các nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế và tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kêu gọi Mỹ nhanh chóng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, mong muốn của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thép của Mỹ và nông dân nuôi tôm ở Vịnh Mexico, trong khi các nhà bán lẻ và các lĩnh vực kinh doanh khác lại biểu lộ sự ủng hộ.
Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, vốn thường cao hơn đối với các nước bị phân loại là nền kinh tế phi thị trường. Chẳng hạn, theo Reuters, trong năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm đông lạnh Việt Nam, trong khi tôm từ Thái Lan, được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, chỉ chịu mức thuế 5,34%.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng các tiêu chí cụ thể để đánh giá tình trạng nền kinh tế thị trường của một quốc gia. Các tiêu chí này bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ, tiền lương lao động được ấn định thông qua thương lượng, mức độ cởi mở đối với liên doanh và đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với các nguồn lực sản xuất, và việc kiểm soát phân bổ nguồn lực và ra quyết định kinh tế liên quan đến giá cả và sản lượng.
Diễn đàn