Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden đề xuất giới hạn nhiệm kỳ, quy tắc ứng xử để kiềm chế Tòa án Tối cao 'cực đoan'


Ông Biden nói trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 60 năm Đạo luật Dân quyền năm 1964 tại thư viện tổng thống của cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas.
Ông Biden nói trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 60 năm Đạo luật Dân quyền năm 1964 tại thư viện tổng thống của cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas.

Tổng thống Joe Biden hôm 29/7 đã đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với Tòa án Tối cao Hoa Kỳ mà ông cho là cần thiết để kiềm chế một tòa án do phe bảo thủ lãnh đạo đang bị vũ khí hóa nhằm làm suy yếu các nguyên tắc và biện pháp bảo vệ dân quyền đã được thiết lập lâu nay.

Ông Biden cho biết ông sẽ làm việc với Quốc hội để thực thi một loạt cải cách, bao gồm giới hạn nhiệm kỳ và quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, nhưng sự phản đối ngay lập tức của các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội có nghĩa là các đề xuất này có rất ít cơ hội được ban hành.

“Chúng ta cần những cải cách này để khôi phục niềm tin vào tòa án”, ông Biden nói trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 60 năm Đạo luật Dân quyền năm 1964 tại thư viện tổng thống của cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas.

Ông Biden kêu gọi Quốc hội thông qua các quy tắc ràng buộc và mang tính cưỡng hành, trong đó yêu cầu các thẩm phán tiết lộ quà tặng, kiềm chế tham gia hoạt động chính trị công cộng và tự rút lui khỏi các vụ việc mà họ hoặc vợ/chồng của họ có xung đột về tài chính hoặc các xung đột lợi ích khác.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng kêu gọi thông qua giới hạn nhiệm kỳ 18 năm đối với các thẩm phán, những người hiện đang phục vụ nhiệm kỳ trọn đời.

“Tôi tin rằng cấu trúc tốt nhất là giới hạn nhiệm kỳ 18 năm. Điều đó sẽ đảm bảo rằng đất nước không có những gì hiện có – một tòa án cực đoan… đã bị vũ khí hóa bởi những người tìm cách thực hiện một chương trình nghị sự cực đoan trong nhiều thập kỷ tới”, ông Biden nói.

Hầu hết các nước dân chủ thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế đều có giới hạn nhiệm kỳ hoặc tuổi nghỉ hưu bắt buộc, hoặc cả hai, đối với các thẩm phán phục vụ tại tòa án tối cao của họ.

Tuần trước, ông Biden đã kết thúc nỗ lực tái tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris là ứng cử viên Đảng Dân chủ để đối đầu với ông Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5 tháng 11.

Trước đó trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Biden đã triệu tập một ủy ban để nghiên cứu những thay đổi về Tòa án Tối cao. Ông đã bổ nhiệm một trong chín thẩm phán, bà Ketanji Brown Jackson, người theo chủ nghĩa tự do.

Hôm 29/7, ông cũng đề xuất sửa đổi hiến pháp để loại bỏ quyền miễn trừ rộng rãi đối với tổng thống, vốn được công nhận trong phán quyết của Tòa án Tối cao ngày 1/7 liên quan đến cựu Tổng thống Donald Trump, và cảnh báo rằng phán quyết này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm có thể gây ra những hành vi lạm dụng nghiêm trọng trong tương lai.

Bà Harris, cựu công tố viên và tổng chưởng lý California, cho biết trong một tuyên bố hôm 29/7 rằng “trong nền dân chủ của chúng ta, không ai được đứng trên luật pháp. Vì vậy, chúng ta cũng phải đảm bảo rằng không có cựu tổng thống nào được miễn trừ đối với những tội đã phạm phải khi còn ở Nhà Trắng”.

Đảng viên Cộng hòa hàng đầu của Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, gọi đề xuất của ông Biden là nỗ lực nhằm “làm mất tính chính danh của tòa án” và cho biết những thay đổi này sẽ không được Hạ viện do đảng của ông kiểm soát xem xét.

Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa gọi các đề xuất này là một phần của kế hoạch nhằm bổ sung vào Tòa án Tối cao những "thẩm phán cấp tiến, cực tả".

Khi được hỏi về bình luận của ông Johnson, ông Biden nói đùa với các phóng viên rằng tư duy của ông Johnson đã ‘chết ngay từ đầu’ và nói rằng ông sẽ tìm ra cách để các cải cách được thông qua.

Kể từ khi tòa án vào năm 2020 đạt được đa số bảo thủ 6-3, được củng cố bởi ba người do ông Trump bổ nhiệm, nó đã chuyển luật pháp Mỹ theo xu hướng cánh hữu.

Trong phán quyết về quyền miễn trừ, tòa tối cao đã quyết định rằng ông Trump, trong một vụ án hình sự liên bang liên quan đến nỗ lực đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 của mình, không thể bị truy tố vì những hành động nằm trong quyền hạn hiến định của ông với tư cách là tổng thống.

Trong những năm gần đây, tòa án cũng đã chấm dứt việc công nhận quyền phá thai theo hiến pháp, mở rộng quyền sở hữu súng và từ chối việc tuyển sinh đại học có tính đến chủng tộc, cũng như chặn chương trình nghị sự của ông Biden về nhập cư, các khoản vay cho sinh viên, lệnh tiêm vaccine COVID và biến đổi khí hậu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG