Cựu tổng thống Peru Alberto Fujimori, người đã dẫn dắt đất nước đạt tăng trưởng kinh tế trong những năm 1990 nhưng sau đó bị bỏ tù vì những vi phạm nhân quyền bắt nguồn từ cuộc chiến đẫm máu chống lại phiến quân theo chủ nghĩa Mao, đã qua đời vào thứ Tư (11/9), hưởng thọ 86 tuổi.
Các đồng nghiệp thân thiết đã đến thăm ông vào đầu ngày sau đó báo tin rằng ông đang trong tình trạng nguy kịch.
“Sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư, cha chúng tôi... vừa mới ra đi để gặp Chúa”, con gái ông, bà Keiko Fujimori, viết trong một thông điệp trên X vốn cũng được những người con khác của ông ký tên.
Ông Fujimori, con trai của cặp vợ chồng di dân Nhật Bản, là hiệu trưởng ít được biết đến của một trường đại học nông nghiệp khi ông được bầu làm tổng thống vào năm 1990. Ông đã nhanh chóng khẳng định mình là một chính trị gia khéo léo, người có phong cách đích thân làm việc vốn đã mang lại kết quả ngay cả khi ông khiến những người chỉ trích tức giận vì tập trung quyền lực.
Ông đã chặn được tình trạng siêu lạm phát vốn đã khiến hàng triệu người Peru mất việc làm, tư nhân hóa hàng chục công ty nhà nước và cắt giảm thuế quan thương mại, đặt nền tảng để Peru trở thành một trong những nền kinh tế ổn định nhất của khu vực Mỹ Latinh trong một thời gian.
Dưới sự lãnh đạo của ông, ông Abimael Guzman, thủ lĩnh đáng sợ của phong trào Con đường Soi sáng (Shining Path) theo chủ nghĩa Mao (Mao Trạch Đông), đã bị bắt. Việc này đã giáng một đòn chí mạng vào phong trào này mà vào những năm 1980 dường như gần lật đổ được nhà nước Peru. Ông Guzman qua đời trong tù vào tháng 9/2021.
Nhưng nhiều người Peru coi ông Fujimori là nhà độc tài sau khi ông triển khai xe tăng quân sự để đóng cửa Quốc hội vào năm 1992, soạn thảo lại hiến pháp theo ý mình để thúc đẩy cải cách thị trường tự do và đưa ra các đạo luật chống khủng bố hà khắc.
Một loạt vụ bê bối tham nhũng trong suốt 10 năm cầm quyền của ông cũng khiến dư luận chống lại ông.
Ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thứ ba vào năm 2000 – nhờ sửa đổi hiến pháp ông mới ra tranh cử nhiệm kỳ ba – đã xuất hiện các video quay cảnh cố vấn hàng đầu và giám đốc tình báo của ông, Vladimiro Montesinos, chi tiền để hối lộ các chính trị gia. Ông Fujimori đã trốn sang Nhật Bản lưu vong.
Ông từ chức qua fax từ Tokyo và sau đó vận động tranh cử ghế thượng nghị sĩ Nhật Bản nhưng bất thành.
Các vụ án nhằm vào ông Fujimori ngày càng nhiều - bao gồm cả cáo buộc rằng ông đã ra lệnh sử dụng các biệt đội tử thần trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Shining Path.
Ông Fujimori được an toàn ở Nhật Bản - ông là công dân hai quốc tịch và Nhật Bản không dẫn độ công dân của mình. Rất nhiều người đã bị sốc khi vào năm 2005, ông quyết định quay trở lại Peru, dường như với hy vọng được ân xá và quay trở lại chính trường.
Thay vào đó, ông đã bị giam giữ trong lúc quá cảnh ở Chile, bị dẫn độ về Peru vào năm 2007 và vào năm 2009, ông đã bị kết án và bị tuyên án 25 năm tù.
Sau khi bị bỏ tù, ông Fujimori chỉ xuất hiện trước công chúng khi ông đến bệnh viện, nơi ông thường được nhìn thấy trong tình trạng luộm thuộm và không khỏe mạnh.
Trong khi những người chỉ trích bác bỏ những than van về sức khỏe của ông và cho rằng đó là thủ đoạn để ra khỏi tù, thì tổng thống khi đó là Pedro Pablo Kuczynski đã ân xá cho ông Fujimori trong thời gian ngắn vào năm 2017.
Vài tháng sau, ông Kuczynski bị luận tội và lệnh ân xá đã bị tòa án hiến pháp tối cao của Peru hủy bỏ, đưa ông Fujimori trở lại nhà tù đặc biệt mà ông đã bị giam giữ mà không có tù nhân nào khác.
Tòa án đã khôi phục lệnh ân xá vào tháng 12/2023, trả tự do cho ông Fujimori khi ông đang đau yếu, mắc bệnh loét dạ dày, tăng huyết áp và ung thư lưỡi. Vào tháng 5/2024, ông Fujimori tuyên bố ông được chẩn đoán mắc khối u ác tính.
Bên ngoài dinh thự của ông Fujimori vào tối thứ Tư (11/9), những người ủng hộ đã tụ tập để thương tiếc và cầu nguyện.
Con gái ông, bà Keiko, hồi tháng 7 nói rằng cha bà có kế hoạch tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2026.
Ông Fujimori sinh ra tại Lima vào Ngày Độc lập của Peru, ngày 28/7/1938.
Diễn đàn