Hoa Kỳ đang cân nhắc áp dụng lệnh trừng phạt sớm nhất là vào tuần này đối với những nhân vật Campuchia có tên tuổi, bao gồm một người thân cận với đảng cầm quyền, vì cáo buộc có liên quan đến các vụ lừa đảo trực tuyến và buôn người, Reuters dẫn hai nguồn tin được các quan chức Hoa Kỳ thông báo về vấn đề này cho biết hôm 12/9.
Động thái này, vốn chưa từng được đưa tin trước đây, xảy ra trong giai đoạn nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Campuchia, sau khi Phnom Penh bắt đầu xây dựng một kênh đào do Trung Quốc hậu thuẫn để đổi dòng chảy từ sông Mekong. Dự án kênh đào này đã bị các quan chức Hoa Kỳ chỉ trích.
Campuchia đã tăng cường hợp tác quân sự với Bắc Kinh, nước đã gửi tàu chiến đến quốc gia Đông Nam Á này vào đầu năm nay và đang hậu thuẫn Campuchia mở rộng một căn cứ hải quân quan trọng.
Hai nguồn tin được thông báo về vấn đề này cho biết ít nhất một người nổi bật gần gũi với các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Campuchia nằm trong số những cá nhân sẽ bị Mỹ nhắm tới.
Người phát ngôn của chính phủ và bộ ngoại giao Campuchia không trả lời điện thoại hoặc phản hồi tin nhắn yêu cầu bình luận của Reuters.
Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng từ chối bình luận. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh không trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.
Reuters không thể xác nhận danh tính của những cá nhân bị nhắm mục tiêu cũng như loại lệnh trừng phạt mà họ sẽ phải đối mặt.
Các nguồn tin từ chối nêu tên vì thông tin không được công khai.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào tháng 6 rằng các quan chức chính phủ Campuchia đã tiếp tay cho hoạt động buôn người phục vụ cho các hoạt động tội phạm và đã “tích cực cản trở các nỗ lực đối phó” trong năm qua, trong khi một số quan chức sở hữu các cơ sở được bọn lừa đảo sử dụng.
LỪA ĐẢO HÀNG TỶ ĐÔ LA
Trong những năm gần đây, Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã nổi lên như tâm điểm của ngành công nghiệp tội phạm trị giá hàng tỷ đô la nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới bằng thủ đoạn tiền điện tử gian lận và các chiêu trò khác. Họ thường hoạt động từ các khu phức hợp kiên cố do các tổ chức tội phạm Trung Quốc điều hành và nhân viên làm cho họ là những nạn nhân bị buôn người.
Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã nhiều lần làm việc với Campuchia để ngăn chặn hoạt động làm ăn bất chính này.
Vào tháng 12, Vương quốc Anh đã áp dụng lệnh trừng phạt tài chính và đi lại đối với 9 người và 5 thực thể vì liên quan đến hoạt động buôn người để sử dụng cho mục đích lừa đảo ở Campuchia, Myanmar và Lào.
Theo hai nguồn tin và ba người khác được thông báo về vấn đề này, Washington đã cân nhắc trong nhiều tháng các lệnh trừng phạt nhằm vào Campuchia vì các cơ sở lừa đảo.
Hai trong số họ cho biết các quyết định trừng phạt đã bị chính phủ Hoa Kỳ hoãn lại mà không nói rõ nguyên nhân trì hoãn.
Họ cho biết quyết định ban đầu dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm nay nhưng đã bị hoãn lại.
Người Mỹ đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ lừa đảo. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, năm 2022, các nạn nhân đã báo cáo thiệt hại 2,6 tỷ đô la từ chiêu trò “vỗ béo giết lợn” - một dạng lừa đảo dài hạn - và các vụ lừa tiền điện tử khác, cao gấp đôi so với năm trước, theo FBI.
Mối quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ đã căng thẳng trong nhiều năm chủ yếu là do mối liên hệ ngày càng chặt chẽ của quốc gia Đông Nam Á này với Bắc Kinh, nhưng việc Phnom Penh thay đổi lãnh đạo vào năm ngoái đã được các quan chức Hoa Kỳ coi là cơ hội để hàn gắn mối quan hệ.
Thủ tướng Hun Manet, người được đào tạo tại West Point, đã lên thay người cha độc tài cầm quyền lâu năm, ông Hun Sen, vào năm ngoái.
Diễn đàn