Đường dẫn truy cập

Mỹ giữ hệ thống tên lửa ở Philippines khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng


Hệ thống tên lửa Typhon tại Sân bay quốc tế Laoag, Philippines, ngày 18/9/2024, trong hình ảnh vệ tinh của Planet Labs.
Hệ thống tên lửa Typhon tại Sân bay quốc tế Laoag, Philippines, ngày 18/9/2024, trong hình ảnh vệ tinh của Planet Labs.

Hoa Kỳ không có kế hoạch rút ngay hệ thống tên lửa tầm trung được triển khai ở Philippines, bất chấp yêu cầu của Trung Quốc, và đang thử nghiệm tính khả thi của việc sử dụng hệ thống này trong một cuộc xung đột khu vực, các nguồn tin có hiểu biết về vấn đề này cho biết.

Hệ thống Typhon, có thể được trang bị tên lửa hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu của Trung Quốc, đã được đưa vào để tập trận chung đầu năm nay, cả hai nước đều cho biết vào thời điểm đó, nhưng hiện hệ thống này vẫn ở đó.

Quần đảo Đông Nam Á, nước láng giềng của Đài Loan ở phía Nam, là một phần quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á và sẽ là điểm tập kết không thể thiếu của quân đội để hỗ trợ Đài Bắc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

Trung Quốc và Nga đã lên án việc triển khai hệ thống tên lửa đầu tiên tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cáo buộc Washington đang thúc đẩy chạy đua vũ trang.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm nói rằng họ rất quan ngại về kế hoạch duy trì hệ thống này.

“Nó đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của các nước trong khu vực và làm gia tăng đối đầu địa chính trị", người phát ngôn của bộ, Lâm Kiếm, phát biểu trong một cuộc họp báo.

Việc triển khai, với một số chi tiết chưa từng được đưa tin trước đây, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và đồng minh hiệp ước quốc phòng của Hoa Kỳ là Philippines đang xung đột về một số khu vực ở Biển Đông đang tranh chấp gay gắt. Những tháng gần đây đã xảy ra một loạt các cuộc đối đầu trên biển và trên không ở tuyến đường thủy chiến lược này.

Các quan chức Philippines cho biết lực lượng Philippines và Mỹ tiếp tục huấn luyện với hệ thống tên lửa này, hiện được đặt trên đảo Luzon ở phía bắc, hướng ra Biển Đông và gần Eo biển Đài Loan. Họ cho biết họ không biết về kế hoạch trả lại hệ thống này ngay lập tức, mặc dù các cuộc tập trận chung sẽ kết thúc vào tháng này.

Một phát ngôn viên của quân đội Philippines, Đại tá Louie Dema-ala, nói với Reuters vào thứ Tư rằng quá trình huấn luyện vẫn đang diễn ra và Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (USARPAC) sẽ quyết định hệ thống tên lửa này sẽ ở lại bao lâu.

Một viên chức phụ trách các vấn đề công cộng của USARPAC cho biết quân đội Philippines trước đó nói rằng Typhon có thể ở lại sau tháng 9 và các binh sĩ đã được huấn luyện với hệ thống này vào tuần trước, tham gia “vào các cuộc thảo luận về việc triển khai hệ thống, với nội dung tập trung vào việc kết hợp hỗ trợ cho quốc gia chủ nhà”.

Một quan chức chính phủ cấp cao của Philippines và một người khác am tường vấn đề này cho biết Mỹ và Philippines đang thử nghiệm tính khả thi của việc sử dụng hệ thống này ở đó trong trường hợp xảy ra xung đột và mức độ hoạt động tốt của hệ thống trong môi trường đó. Cả hai đều nói với điều kiện giấu tên.

Một viên chức chính phủ cho biết Typhon - được thiết kế để di động và có thể di chuyển khi cần thiết - đã có mặt tại Philippines để “thử nghiệm tính khả thi của việc triển khai hệ thống này trong nước để khi cần thiết, hệ thống này có thể dễ dàng được triển khai tại đây”.

Văn phòng của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

“NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ”

Quân đội Hoa Kỳ đã đưa Typhon, hệ thống có thể phóng tên lửa bao gồm tên lửa SM-6 và Tomahawk với tầm bắn vượt quá 1.600 km (994 dặm), đến Philippines vào tháng 4 trong cái mà họ gọi là “lần đầu tiên trong lịch sử” và là “bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Philippines”.

Một hình ảnh vệ tinh do Planet Labs, một công ty vệ tinh thương mại, chụp vào thứ Tư và được Reuters xem cho thấy Typhon tại Sân bay quốc tế Laoag, ở tỉnh Ilocos Norte.

Một quan chức chính phủ cấp cao nói với Reuters rằng không có kế hoạch nào ngay lập tức để rút nó đi.

“Nếu nó có bị rút đi thì đó là vì mục tiêu đã đạt được và nó có thể được đưa (trở lại) sau khi tất cả những sửa chữa hoặc xây dựng được thực hiện”, quan chức này cho biết, đồng thời nói thêm rằng việc giữ lại hệ thống này có giá trị chiến lược đối với Philippines trong việc ngăn chặn Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn cho họ có những đêm không ngủ”.

VŨ KHÍ CHỐNG HẠM

Mỹ đã tích trữ nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á khi Washington cố gắng bắt kịp nhanh chóng trong cuộc đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước rất xa.

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng hơn 800 tên lửa SM-6 dự kiến sẽ được mua trong 5 năm tới, theo các tài liệu của chính phủ nêu rõ các giao dịch mua sắm quân sự. Các tài liệu cho thấy hiện đã có hàng ngàn tên lửa Tomahawk trong kho vũ khí của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã nhiều lần lên án việc triển khai Typhon, bao gồm cả vào tháng 5 khi ông Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói Manila và Washington đã mang “rủi ro chiến tranh rất lớn vào khu vực”.

Vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin được dẫn lời nói về việc triển khai này khi tuyên bố rằng đất nước ông sẽ tiếp tục sản xuất tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo vào tháng 7 đã đảm bảo với người đồng cấp Trung Quốc rằng sự hiện diện của hệ thống tên lửa tại quốc gia này không gây ra mối đe dọa nào đối với Trung Quốc và sẽ không làm mất ổn định khu vực.

Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số những hòn đảo mà họ xây dựng ở Biển Đông, nơi mà họ tuyên bố chủ quyền hoàn toàn bất chấp phán quyết trọng tài năm 2016 bênh vực cho Philippines, và trang bị các đảo này với tên lửa chống hạm và phòng không.

Trung Quốc nói rằng các cơ sở quân sự của họ ở Quần đảo Trường Sa hoàn toàn mang tính phòng thủ và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn trên lãnh thổ của mình.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG