Đường dẫn truy cập

Meta nói sẽ sản xuất thiết bị thực tế ảo Quest 3S tại Việt Nam, Thủ tướng Chính hoan nghênh


Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu tập đoàn Meta, tại Hà Nội, vào ngày 30/9/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tiếp ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu tập đoàn Meta, tại Hà Nội, vào ngày 30/9/2024.

Tập đoàn Meta hôm thứ Ba (1/10) cho biết sẽ mở rộng đầu tư vào đổi mới trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, bao gồm việc sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S vào năm 2025, một nỗ lực mới nhất của tập đoàn công nghệ nhằm tăng cường dấu ấn của mình tại quốc gia Đông Nam Á, Reuters và truyền thông Việt Nam đưa tin.

Thông báo của Meta được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta, Nick Clegg. Ông Clegg đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 30/9, chỉ một tuần sau khi ông gặp Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại New York.

Reuters dẫn lời ông Clegg cho biết trong một tuyên bố rằng “Bắt đầu từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất Quest 3S tại Việt Nam”.

Quest 3S là mẫu kính vừa mới được Meta công bố vào ngày 25/9, với giá khởi điểm 300 USD, rẻ hơn so với Quest 3.

Tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Clegg còn cho biết việc mở rộng sản xuất Quest 3S tại Việt Nam được kỳ vọng tạo ra 1.000 việc làm, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết thêm.

Meta có hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam trên nền tảng truyền thông xã hội Facebook của mình.

“Việt Nam tiếp tục là một quốc gia quan trọng đối với Meta. Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng tin tưởng vào nền tảng của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Clegg nói trong tuyên bố.

Meta không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về quy mô đầu tư và hoạt động hiện tại của công ty tại Việt Nam.

Công ty cũng không làm rõ liệu hoạt động sản xuất có được thực hiện thông qua các nhà cung cấp hay không.

Meta cũng cho biết họ sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, sau khi bắt đầu thử nghiệm Business AI for Messenger tại Việt Nam vào tháng 6, với việc ra mắt đầy đủ vào cuối năm nay.

Ngoài ra, tại cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam, lãnh đạo của Meta cũng nêu lên một số đề nghị liên quan đến quy hoạch cụ thể cho băng tần, khuyến nghị khung pháp lý để tạo điều kiện hơn nữa cho môi trường kinh doanh, VnExpress cho biết thêm.

Đáp lại, ông Phạm Minh Chính khẳng định luôn tạo thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Meta, thành công tại Việt Nam trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, “cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển, cùng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”, vẫn theo VnEpress.

Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh những đóng góp của Meta cũng như ông Nick Clegg đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo.

Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị Meta tăng cường phối hợp với giới hữu trách Việt Nam “ngăn chặn thông tin xấu độc, sai sự thật” và có các biện pháp bảo vệ người dùng trên mạng xã hội, phòng chống hình thức lừa đảo trực tuyến, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG