Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11, ông sẽ kêu ca về gian lận và không chấp nhận kết quả - giống như ông đã làm cách đây bốn năm khi ông thua Tổng thống Joe Biden bên đảng Dân chủ.
“Nếu tôi thua, tôi nói cho bạn biết điều này, điều đó là có thể. Bởi vì bọn họ gian lận. Đó là cách duy nhất chúng ta sẽ thua, vì họ gian lận”, ông Trump phát biểu tại một cuộc vận động ở Michigan vào tháng 9.
Sau khi ông Trump thua cuộc bầu cử năm 2020, ông và các đồng minh đã cố gắng lật ngược kết quả thông qua hàng chục vụ kiện mà cuối cùng không làm thay đổi hay trì hoãn việc kiểm phiếu.
Ông cũng gây sức ép với các quan chức ở bang Georgia để tìm thêm phiếu bầu cho ông, và những người ủng hộ ông đã xông vào Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 trong một nỗ lực bất thành nhằm ngăn cản phó tổng thống của ông, Mike Pence, chứng nhận chiến thắng của ông Biden.
Một điểm khác biệt chính lần này là ông Trump không có quyền lực của tổng thống như ông đã có vào năm 2020. Và các luật mới của tiểu bang và liên bang đã được đưa ra để gây khó khăn hơn cho việc tác động đến kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, ông Trump và các đồng minh của ông đã chuẩn bị trong nhiều tháng để phản đối nếu ông thua vào ngày 5/11. Ông có thể phản đối chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris tại tòa án hoặc làm dấy lên nghi ngờ về tính hợp lệ của chiến thắng của bà với những người ủng hộ ông. Điều này có thể gây ra hậu quả không lường trước được.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ dự đoán việc kiểm phiếu có thể kéo dài trong vài ngày sau ngày 5/11 khi những lá phiếu gửi qua thư được kiểm đếm và các lá phiếu khác được kiểm đếm và xác minh.
Nếu có vẻ như ông Trump đang thua, sự kéo dài thời gian kiểm phiếu này này sẽ tạo cơ hội cho ông tuyên bố có gian lận và cố gắng làm suy yếu lòng tin vào các quan chức bầu cử, đồng thời có thể khuyến khích những người ủng hộ ông phản đối. Ông đã đe dọa sẽ bỏ tù các nhân viên bầu cử và các quan chức khác vì “hành vi vô đạo đức”, mặc dù ông cần phải thắng cử trước.
Ông Trump có thể nêu vấn đề trực tiếp đến công chúng Mỹ mà không cần chờ bằng chứng, bằng cách sử dụng mạng xã hội, họp báo và phỏng vấn.
“Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng chúng ta phải có một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, Karoline Leavitt, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump nói.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Ở CÁC BANG CHIẾN TRƯỜNG
Để chủ động trước, Đảng Cộng hòa đã đệ hơn 100 vụ kiện tại các bang chiến trường vốn mang tính quyết định cuộc bầu cử để gieo mầm cho các thách thức sau bầu cử, bao gồm cả việc tuyên bố, mà không có bằng chứng, rằng những người không phải công dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu đông đảo.
Cả hai đảng đều có kế hoạch cử hàng nghìn tình nguyện viên được huấn luyện, được gọi là người giám sát điểm bỏ phiếu, để giám sát việc bỏ phiếu và kiểm phiếu với nhiệm vụ báo cáo bất kỳ sự bất thường nào.
Một số nhà hoạt động vì quyền bỏ phiếu lo ngại rằng những người giám sát điểm bỏ phiếu của đảng Cộng hòa có thể gây rối loạn, nhưng Đảng Cộng hòa cho biết những người tình nguyện này đã được đào tạo để hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Giống như họ đã làm vào năm 2020, các đồng minh của ông Trump ở các tiểu bang quan trọng - các quan chức bầu cử địa phương, các nhà lập pháp tiểu bang và có lẽ là các thẩm phán - có thể tìm cách trì hoãn việc chứng nhận, xác nhận số phiếu chính thức của một tiểu bang, thông qua các khiếu nại về gian lận.
Những nỗ lực đó đã không thành công vào lần trước và các chuyên gia về luật bầu cử cho biết luật pháp ở các tiểu bang đó nêu rõ rằng các quan chức địa phương không có thẩm quyền hủy bỏ các lá phiếu hoặc làm chệch hướng quá trình công nhận kết quả.
Năm trong số 7 bang chiến trường có thống đốc thuộc đảng Dân chủ nhưng các nhà hoạt động Dân chủ lo ngại về bang Georgia, nơi hội đồng bầu cử tiểu bang gần đây đã trao quyền chưa từng có cho các quan chức địa phương để tiến hành điều tra, một động thái mà họ cho rằng có thể dọn đường cho những phần tử thiếu thiện chí vốn cố gắng chống đối hoặc trì hoãn việc kiểm phiếu.
Tuy nhiên, một thẩm phán Georgia đã phán quyết trong tuần này rằng các quan chức địa phương phải chứng nhận kết quả và không được tùy ý làm khác.
Tất cả các bang phải đệ trình tổng số phiếu đã chứng nhận của mình trước khi Đại cử tri đoàn họp vào tháng 12 và các đại cử tri bỏ phiếu. Sau đó, phiếu bầu sẽ được chuyển đến Quốc hội để chứng nhận cuối cùng vào tháng 1.
Các vụ kiện ở tòa án do ông Trump khởi xướng và sự chậm trễ trong việc chứng nhận có thể khiến một tiểu bang không kịp thời hạn. Điều đó có thể tạo cơ sở cho phe Cộng hòa phản đối tại Quốc hội.
Một số chuyên gia luật bầu cử cảnh báo rất khó để dự đoán các tranh chấp pháp lý mới về chứng nhận kết quả có thể được giải quyết như thế nào, nhất là nếu chúng rơi vào tay các thẩm phán thông cảm với lời nói của ông Trump.
QUỐC HỘI CÓ QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG
Sau cuộc bầu cử năm 2020, Quốc hội đã thông qua một luật cải cách khiến các ứng cử viên khó có thể đưa ra những thách thức giống ông Trump đã từng cố gắng làm.
Luậ này nói rõ rằng phó tổng thống, trong trường hợp này là bà Harris, không có thẩm quyền trì hoãn chứng nhận ở phạm vi quốc gia hoặc hủy bỏ kết quả của một tiểu bang, như cách ông Trump đã thúc giục ông Pence làm vào năm 2020.
Luật này cũng yêu cầu rằng không được phản đối số phiếu bầu của một tiểu bang trừ khi có 1/5 số thành viên của mỗi viện trong Quốc hội đồng ý. Sau đó, cần phải có đa số phiếu bầu ở mỗi viện để phản đối được coi là hợp lệ.
Trong trường hợp gần như không thể xảy ra là có đủ số phiếu đại cử tri bị loại bỏ để dẫn đến việc không có ứng cử viên nào đạt được đa số phiếu cần thiết, thì lúc đó Hạ viện Hoa Kỳ mới đắc cử sẽ chọn ra tổng thống tiếp theo.
BẠO LOẠN TRONG DÂN
Bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm cho rằng cuộc bầu cử bị gian lận đều có khả năng dẫn đến bạo loạn, như đã xảy ra vào ngày 6/ 1/2021.
Các chuyên gia theo dõi các nhóm cánh hữu hiếu chiến, chẳng hạn như ông Peter Montgomery thuộc People For the American Way, một viện nghiên cứu cấp tiến, cho biết họ không mấy lo ngại về phản ứng bạo lực từ các nhóm này hơn là về đe dọa đối với các nhân viên bầu cử kiểm phiếu. Ông Montgomery nói cũng có thể có các cuộc biểu tình bạo lực ở thủ phủ của các bang chiến trường.
Hàng trăm người tham gia vào vụ tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol đã bị kết án và bỏ tù vì hành động của họ, một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với những người có thể đang suy tính có những hành động tương tự.
Diễn đàn