Đường dẫn truy cập

Philippines gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về vụ việc ở Biển Đông


Ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines.
Ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 5/12 cho biết đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về vụ việc xảy ra ngày 4 tháng 12 tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông.

Vụ phản đối hôm 5/12 là mới nhất trong gần 200 công hàm mà Philippines đã chuyển tới Trung Quốc dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người ngày càng phàn nàn về điều ông coi là hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc 4/12 đã phun vòi rồng và quệt vào một tàu của Cục Thủy sản Manila đang vận chuyển hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines hoạt động ở bãi cạn Scarborough, theo các quan chức Philippines.

Các tàu tuần duyên Philippines cũng phải đối mặt với "sự ngăn chặn, bám đuôi và các động thái nguy hiểm" từ một tàu hải quân Trung Quốc, những hành động mà một quan chức an ninh cấp cao của Philippines hôm 5/12 mô tả là đáng báo động.

"Chúng tôi coi đó là sự leo thang nghiêm trọng từ phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Kênh tin tức ANC.

Trong khi Philippines muốn duy trì các nhiệm vụ tiếp tế của mình ở Biển Đông như các hoạt động dân sự, ông Malaya cho biết nước này vẫn giữ quyền triển khai các tàu hải quân.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhấn mạnh hôm 5/12 rằng "trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Philippines". Lực lượng này cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã thực hiện "các biện pháp kiểm soát cần thiết" đối với các tàu của Philippines và các hành động của họ là "chuyên nghiệp, chuẩn mực và hợp pháp".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, điều này đã khiến các nước láng giềng tức giận vì cho rằng một số ranh giới cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách mở rộng của Bắc Kinh không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chưa bao giờ được xác lập, nhưng tòa án đã phán quyết rằng hành động phong tỏa của Trung Quốc ở đó đã vi phạm luật pháp quốc tế rằng khu vực này là ngư trường truyền thống được ngư dân của nhiều quốc tịch sử dụng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG