Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09% vào năm 2024 lên 476,3 tỷ đô la, vượt xa mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023, nhờ vào xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, theo thống kê mới nhất được Tổng cục Thống kê, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố hôm 6/1.
Báo cáo cho biết tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng 7,55% trong quý IV, là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong vòng hơn hai năm.
Theo Reuters và AFP, quốc gia Đông Nam Á, vốn là một trung tâm sản xuất của khu vực, đã được hưởng lợi từ sự phục hồi tiêu dùng toàn cầu mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão mạnh nhất châu Á vào năm ngoái.
Tăng trưởng cả năm là 7,09%, vượt qua mục tiêu chính thức của chính phủ là 6,5% và ước tính trung bình 6,7% của các nhà phân tích trong một cuộc khảo sát riêng của Bloomberg.
Tốc độ tăng trưởng cao mang lại cho đất nước “động lực quan trọng cho năm 2025”, AFP dẫn lời bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói tại cuộc họp báo hôm 6/1.
Việt Nam đã kiếm được 405,53 tỷ đô la từ xuất khẩu vào năm 2024, chủ yếu là từ các sản phẩm dẫn đầu là hàng điện tử, điện thoại thông minh, hàng may mặc và nông sản, ghi nhận mức tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, vẫn theo báo cáo.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nhập khẩu tăng 16,7% lên 380,76 tỷ đô la vào năm 2024, dẫn đến thặng dư thương mại là 24,77 tỷ đô la.
Sự phục hồi mạnh mẽ trong tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi việc chính phủ tăng nhập khẩu than để phát điện nhằm tránh lặp lại tình trạng thiếu điện của những năm trước, theo Reuters.
Lượng than nhập khẩu năm 2024 tăng 24,8% so với năm trước lên 63,8 triệu tấn, trong khi sản lượng điện trong năm tăng 9,6% lên 293,3 tỷ kilowatt giờ.
Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng 9,4% trong năm ngoái lên 25,35 tỷ đô la.
Giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% trong khi sản lượng sản xuất công nghiệp tăng 8,4%.
Sau khi các dữ liệu trên được công bố, các chỉ số chứng khoán chuẩn của Việt Nam đã tăng 0,13% tính đến giữa trưa 6/1, theo ghi nhận của Reuters và Bloomberg.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm nay, một mục tiêu mà theo lời bà Hương là một “thách thức rất lớn”.
Được xem là một “ngôi sao tăng trưởng” của châu Á, nhưng Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực giá cả và nhiều thách thức theo các chính sách của chính quyền Trump đối với mục tiêu 8% mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đặt ra tháng trước, mặc dù mục tiêu chính thức do quốc hội đặt ra là 6,5%-7%, theo nhận định của Bloomberg.
Các quan chức chính phủ Việt Nam, vốn đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên thuế quan mới có thể xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump, dự đoán những gián đoạn có thể xảy ra đối với thị trường toàn cầu, Bloomberg dẫn lời bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng phòng thống kê giá cả của Tổng cục Thống kê, cho biết tại cuộc họp báo.
“Chủ nghĩa bảo hộ và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Oanh nói. “Những điều này có thể thúc đẩy áp lực lạm phát và đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như gây ra sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp”.
“Nhìn về tương lai, Việt Nam sẽ chủ động theo dõi các chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá hối đoái và theo dõi chặt chẽ các đối tác thương mại lớn để có chính sách kịp thời”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Bà nói thêm rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia lo ngại về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai từ ngày 20/1. Ông Trump từng đề cập đến việc áp các mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
“Khi ông Trump nhậm chức, thông điệp của ông ấy sẽ rõ ràng hơn nhiều và chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị cho những thay đổi trong nhiệm kỳ của ông ấy”, Reuters dẫn lời bà Hương nói thêm.
Việt Nam kỳ vọng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào đất nước, vẫn theo lời bà Hương.
Quan chức của Tổng cục Thống kê cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần kiểm soát linh hoạt các chính sách tài khóa, ổn định tỷ giá hối đoái và lãi suất, và hạn chế giá cả tăng đột biến để giảm thiểu tác động đến lạm phát và đời sống của người dân.
Oxford Economics trong một lưu ý hôm 6/1 nói rằng họ kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm nay, nhưng cảnh báo động lực xuất khẩu dịch vụ có vẻ đang chậm lại.
“Bất chấp dữ liệu tăng trưởng tích cực, những thách thức từ các lĩnh vực ngân hàng và bất động sản vẫn còn, và tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn xu hướng”, Reuters trích dẫn nhận định của Oxford Economics cho biết thêm.
Diễn đàn