Chính phủ Thái Lan hôm 29/1 nói rằng họ dự kiến tuyến đường sắt cao tốc dài 609 km kết nối nước này với Trung Quốc qua Lào sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2030, muộn hơn gần một thập kỷ so với kế hoạch ban đầu.
Hơn một phần ba công trình xây dựng đã hoàn thành ở đoạn nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, cách đó khoảng 220 km và toàn bộ tuyến đến Nong Khai tại biên giới với Lào sẽ sẵn sàng vào năm 2030, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Jirayu Houngsub cho biết.
Tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ đô la, dài 1.000 km từ thủ đô Viêng Chăn của Lào đến thành phố Côn Minh ở phía tây nam Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động vào năm 2021, một dự án do Bắc Kinh sở hữu 70%. Tuyến đường đó sẽ kết nối với Nong Khai của Thái Lan qua Viêng Chăn, cách đó khoảng 25 km.
“Đây là cơ hội để Thái Lan kết nối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Jirayu nói, đồng thời thêm rằng điều này sẽ đưa Thái Lan đến gần hơn với mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần.
Thông báo được đưa ra một năm sau khi Trung Quốc thúc giục Thái Lan đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt.
Các cuộc thảo luận về tuyến đường sắt đã bắt đầu gần hai thập kỷ trước và Thái Lan, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường sắt này vào năm 2017 với kế hoạch bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Nhưng việc xây dựng đã bị chậm trễ do những bất đồng về tài chính và thiết kế, cũng như thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Kế hoạch này là một phần trong sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bao gồm các kế hoạch cho ba tuyến đường sắt bắt đầu từ Côn Minh đi qua Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 1.541 km nối liền hai thành phố lớn nhất của mình là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với chi phí hơn 67 tỷ đô la, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2035. Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá 7,2 tỷ đô la từ biên giới giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng và thành phố Hạ Long.
Diễn đàn