Một quan chức của Hamas hôm 11/2 nói rằng các con tin Israel chỉ có thể được đưa về nhà từ Gaza nếu lệnh ngừng bắn mong manh được tôn trọng, bác bỏ "ngôn ngữ đe dọa" sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẽ "để địa ngục bùng nổ" nếu họ không được trả tự do.
Hamas đã bắt đầu dần dần thả một số con tin theo lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19 tháng 1 nhưng đã hoãn việc thả thêm cho đến khi có thông báo mới, cáo buộc Israel vi phạm các điều khoản khi tiếp tục tấn công Dải Gaza.
Ông Trump, một đồng minh thân cận của Israel, nói hôm 10/2 rằng Hamas phải thả tất cả các con tin do nhóm chiến binh này bắt giữ vào giữa trưa 15/2 hoặc ông sẽ đề xuất hủy bỏ lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel vẫn quyết tâm đưa tất cả các con tin trở về.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động kiên quyết và khốc liệt cho đến khi đưa về tất cả các con tin - cả người sống và người đã chết", ông nói trong một tuyên bố bày tỏ thương tiếc một người Israel, ông Shlomo Mansour, sau khi quân đội xác nhận ông đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, cuộc tấn công đã gây ra cuộc chiến tranh ở Gaza.
Ông Trump đã khiến người Palestine và các nhà lãnh đạo Ả Rập tức giận sau khi đảo lộn chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ, vốn đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước có thể có trong khu vực, khi tìm cách áp đặt tầm nhìn của ông về Gaza, nơi đã bị tàn phá bởi một cuộc tấn công quân sự của Israel và đang thiếu lương thực, nước và nơi tạm trú, và cần viện trợ nước ngoài.
"Trump phải nhớ rằng có một thỏa thuận mà cả hai bên phải tôn trọng, và đây là cách duy nhất để đưa các tù nhân (Israel) trở về. Ngôn ngữ đe dọa không có giá trị và chỉ làm phức tạp thêm vấn đề", quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nói với Reuters.
Ông Trump đã nói rằng Hoa Kỳ nên tiếp quản Gaza, nơi đã biến thành đống đổ nát, và di dời hơn 2 triệu cư dân để vùng đất Palestine này có thể được biến thành "Riviera của Trung Đông".
Ông Trump gặp Vua Abdullah của Jordan hôm 11/2 trong một cuộc gặp gỡ có khả năng sẽ rất căng thẳng sau ý tưởng tái phát triển Gaza của tổng thống, bao gồm cả lời đe dọa cắt viện trợ cho quốc gia Ả Rập đồng minh của Hoa Kỳ nếu nước này từ chối tái định cư người Palestine.
Việc cưỡng bức di dời người dân dưới sự chiếm đóng của quân đội là một tội ác chiến tranh bị cấm theo các công ước Geneva năm 1949.
Người Palestine lo sợ sẽ lặp lại cái mà họ gọi là Nakba, hay thảm họa, khi hàng trăm nghìn người Palestine phải chạy trốn hoặc bị buộc phải rời đi trong cuộc chiến năm 1948, dẫn tới sự thành lập của Israel. Israel phủ nhận việc họ bị buộc phải rời đi.
Diễn đàn