Việt Nam sẽ bãi bỏ 5 bộ ngành trong khu vực công và cắt giảm hàng tỷ đô la từ ngân sách chính phủ, sau khi quốc hội hôm thứ Ba (18/2) bật đèn xanh cho một chiến dịch tinh giản triệt để, Reuters, AFP và truyền thông Việt Nam đưa tin.
Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về cơ cấu tổ chức của chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên chính phủ, số lượng các bộ của chính phủ đã giảm từ 18 xuống còn 14, và sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/3, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Theo đó, một số bộ đã được sáp nhập vào nhau trong kế hoạch tinh gọn, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, sáp nhập với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải sáp nhập với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hơn 97% các nhà lập pháp có mặt đã thông qua kế hoạch này.
Trước đó trong ngày 18/2, quốc hội đã thông qua sửa đổi luật về tổ chức chính phủ, mở đường cho việc phê duyệt kế hoạch cắt giảm từ 15% đến 20% bộ máy nhà nước, bao gồm 4 cơ quan và 5 kênh truyền hình nhà nước, cùng với nhiều khoản cắt giảm khác.
Động thái này “không chỉ tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là thúc đẩy hiệu quả của hệ thống”, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm được Reuters dẫn lời phát biểu trước quốc hội vào tuần trước.
Các nhà đầu tư, ngoại giao và các quan chức đã hoan nghênh rộng rãi kế hoạch, nhưng dự kiến sẽ có một số chậm trễ về mặt hành chính trong ngắn hạn tại Việt Nam, vốn được xem là một trung tâm công nghiệp khu vực phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Tại một cuộc họp báo vào tuần trước, bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, nói động thái này “sẽ không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”.
Ngoài ra, cũng trong ngày 18/2, các nhà lập pháp Việt Nam cũng đã phê chuẩn việc bổ nhiệm thêm hai tân phó thủ tướng, nâng số lượng phó thủ tướng lên thành 7 người từ số lượng 5 phó thủ tướng đương nhiệm.
Hai tân phó thủ tướng là ông Mai Văn Chính, 64 tuổi, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, và ông Nguyễn Chí Dũng, 65 tuổi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng KH&ĐT.
Như vậy, cơ cấu số lượng thành viên chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 sau khi tinh gọn còn lại 25 thành viên, bao gồm: Thủ tướng chính phủ, 7 phó thủ tướng, 14 bộ trưởng và 3 thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ).
CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN
Cuộc cải cách, do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm khởi xướng, với kế hoạch cắt giảm đến 1/5 số cơ quan chính phủ, đang tạo ra sự bất an ở quốc gia Cộng sản, nơi việc làm công chức từ lâu đồng nghĩa với một công việc làm suốt đời.
Ông Tô Lâm, người chỉ mới lên chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản cách đây nửa năm sau khi người tiền nhiệm qua đời, hồi tháng 12 tuyên bố thực hiện “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và không để cho các cơ quan nhà nước trở thành “vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém”, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
“Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải ‘uống thuốc đắng’, phải chịu đau để ‘phẫu thuật khối u’”, Tổng Bí thư Việt Nam nói, theo Vietnamnet.
Theo chính phủ Việt Nam, tính đến năm 2022, có gần hai triệu người làm việc trong khu vực công, mặc dù Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra con số cao hơn nhiều.
Tháng trước, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin rằng việc tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng đến 100.000 quan chức nhà nước nhưng không nêu chi tiết.
Việc tinh giản bộ máy quan liêu vốn là chính sách của Đảng Cộng sản trong gần một thập kỷ nhưng giờ đây được Tổng bí thư Tô Lâm thúc đẩy thực hiện nhanh chóng kế hoạch này, theo AFP.
Ông Lâm cũng đã theo đuổi và tiếp nối chiến dịch chống tham nhũng vốn đã được người tiền nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện mạnh tay, khiến hàng chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhân vật cấp cao của chính phủ, bao gồm hai thủ tướng và ba phó thủ tướng, bị mất chức hoặc tù tội.
Những người chỉ trích cáo buộc ông nhắm vào các đối thủ của mình thông qua hành động này, nhưng động thái này đã được công chúng ủng hộ và các nhà phân tích cho biết ông Lâm có thể đang tìm cách củng cố tính hợp pháp của mình trước đại hội Đảng Cộng sản tiếp theo vào đầu năm 2026, vẫn theo AFP.
Kế hoạch tinh giản bộ máy nhà nước Việt Nam diễn ra trong thời điểm một số chính phủ trên thế giới, bao gồm tân chính phủ Hoa Kỳ Donald Trump và chính phủ của Tổng thống Argentina Javier Milei, cũng đang thực hiện các biện pháp mạnh tay nhằm cắt giảm chi phí chính phủ, dẫn đến làn sóng cắt giảm cả trong khu vực tư nhân ở nhiều nơi.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, nhưng nguy cơ bị áp thuế quan mới từ chính quyền Trump cộng với bộ máy quan liêu cồng kềnh đang được xem là lực cản đối với tăng trưởng. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng cấp cao cũng làm chậm lại các giao dịch hàng ngày.
AFP dẫn thông tin từ chính quyền cho biết khoản tiết kiệm từ việc cắt giảm chi tiêu có thể lên tới 4,5 tỷ đô la trong 5 năm tới, mặc dù chi phí cho các gói hưu trí và trợ cấp thôi việc là hơn 5 tỷ đô la.
Diễn đàn