Úc đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc hôm 21/2 về thông báo ngắn gọn của hải quân Trung Quốc rằng họ sẽ tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển quốc tế giữa Úc và New Zealand, buộc các hãng hàng không phải chuyển hướng các chuyến bay, theo Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết.
Các hãng hàng không bao gồm Qantas, Emirates và Air New Zealand hôm 21/2 đã thay đổi đường bay giữa Úc và New Zealand sau khi Trung Quốc phát đi thông điệp rằng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân của họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển New South Wales, vốn được xem là một sự kiện hiếm hoi.
Một khinh hạm, tàu tuần dương và tàu tiếp tế của hải quân Trung Quốc đã đi vào khu vực tiếp cận hàng hải của Úc vào tuần trước và đi xuống bờ biển phía đông của Úc trong tuần này. Hải quân và không quân của Úc và New Zealand đang giám sát các tàu của Trung Quốc.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói với các phóng viên vào chiều ngày 21/2 rằng không rõ liệu hải quân Trung Quốc có sử dụng đạn thật hay không và lực lượng phòng thủ Úc đã thông báo rằng không có nguy cơ gây nguy hiểm sắp xảy ra đối với tài sản của Úc hoặc New Zealand.
“Trung Quốc đã ban hành, theo thông lệ, một cảnh báo rằng họ sẽ tiến hành các hoạt động này, bao gồm cả khả năng sử dụng đạn thật. Nó nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Úc”, ông Albanese nói, ám chỉ rằng nó cách bờ ít nhất 200 hải lý (370 km).
Các tàu của Trung Quốc đã “phát tín hiệu và được các máy bay thương mại đang bay qua Tasman thu được”, ông Marles cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ABC hôm 21/2.
“Họ đã tuân thủ luật pháp quốc tế về việc thông báo, nhưng thông báo rất gấp và điều đó đã khiến các máy bay thương mại rơi vào tình huống khó khăn khi, bạn biết đấy, chúng cần phải chuyển hướng khá nhanh”, ông nói.
Ông cho biết Úc đã hỏi Trung Quốc tại sao họ muốn tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực giữa Úc và New Zealand, và tại sao không thông báo trước để tránh làm gián đoạn các chuyến bay thương mại.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng sẽ nêu vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc tại Nam Phi, nơi họ đang tham dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao G20.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 21/2 rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân “đã tổ chức một đội tàu để tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện ở những vùng biển xa”.
“Các cuộc tập trận và hoạt động huấn luyện đã duy trì các tiêu chuẩn an toàn và hoạt động chuyên nghiệp trong suốt quá trình theo đúng luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế liên quan”, ông Quách nói.
Tàu khu trục Te Kaha của New Zealand đã ở gần khu vực diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc và New Zealand cho biết họ đang thu thập thông tin về hoạt động của hải quân Trung Quốc.
“Giống như Úc, mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của người dân, tàu thuyền và máy bay. Không có mối nguy hiểm nào đối với New Zealand đang diễn ra”, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins cho biết trong một tuyên bố.
Các hãng hàng không đã được cơ quan kiểm soát không lưu của Úc liên hệ hôm 21/2 để cảnh báo họ về các thông tin về bắn đạn thật tại nơi nhóm tác chiến của hải quân Trung Quốc đang hoạt động, theo cơ quan này và các quan chức Úc cho biết.
"Cục Hàng không Dân dụng và Airservices Australia đã biết về các thông tin về việc bắn đạn thật trên vùng biển quốc tế", cơ quan kiểm soát không lưu Airservices Australia nói trong một tuyên bố.
Thủ tướng Albanese cho biết ông đã liên lạc với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon về vấn đề này.
"Người đứng đầu lực lượng quốc phòng đã thông báo rằng không rõ liệu có bất kỳ đạn thật nào được sử dụng trong khu vực này hay không, nhưng điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế", Albanese cho biết.
Vụ việc xảy ra một tuần sau khi Úc phàn nàn về hành động "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" của một máy bay chiến đấu Trung Quốc đối với một cuộc tuần tra hàng hải của Úc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh cáo buộc máy bay Úc "cố tình xâm phạm" vào không phận của mình.
Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách toàn diện của nước này đối với Biển Đông không được luật pháp quốc tế ủng hộ.
Diễn đàn