Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm ngày Người Tị Nạn Thế Giới


Trong tuần này hầu hết các tin tức liên quan đến Việt Nam đều tập trung vào những sự kiện chung quanh chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải mà không chú ý nhiều đến một sự kiện khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là những sinh hoạt đánh dấu ngày kỷ niệm hàng năm dành cho những người tị nạn trên thế giới được gọi là Ngày Người Tị Nạn Thế Giới. Sau đây là một số chi tiết do Trần Nam ghi nhận, liên quan đến Ngày Người Tị Nạn Thế Giới và ý nghĩa của ngày này đối với những người Việt, một tập thể người tị nạn châu Á đông đảo nhất tại Hoa Kỳ :

Đối với nhiều di dân tại Hoa Kỳ thì dường như có rất ít người biết đến Ngày Người Tị Nạn Thế Giới. Đây là điều dễ hiểu vì không phải tất cả các di dân tại Hoa Kỳ là người tị nạn, và ngày này chỉ mới ra đời cách đây 5 năm khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 6 năm 2000 làm Ngày Người Tị Nạn Thế Giới để công nhận và vinh danh những đóng góp của những người tị nạn trên toàn cầu. Kể từ đó, ngày 20 tháng 6 đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm hàng năm được đánh dấu bằng những sự kiện xảy ra tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Năm nay, 2005, Cao Ủy Trưởng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã cử hành Ngày Người Tị Nạn Thế Giới lần thứ năm với chủ đề Lòng Can Đảm nhằm gây sự chú ý của mọi người đối với những người tị nạn trên khắp thế giới bị bắt buộc phải lìa bỏ quê hương đi tìm đất sống, đồng thời đề cao ý chí và lòng can đảm phi thường của hàng triệu người tị nạn, những người đã gánh chịu nhiều đau khổ nhưng không bao giờ đánh mất niềm hy vọng trên bước đường đi tìm tự do, tránh xa những đàn áp và bất ổn.

Đối với người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ thì ý nghĩa của Ngày Người Tị Nạn Thế Giới lại càng quan trọng hơn vì phần lớn trong số này là những người đã bỏ nước ra đi trong những điều kiện vô cùng khó khăn và nguy hiểm để tránh những ngược đãi trên chính quê hương của họ.

Theo các con số của Trung Tâm Tài Liệu Đông Nam Á liên quan đến người tị nạn Việt Nam thì sau khi Saigon, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, lọt vào tay quân Bắc Việt hồi tháng 4 năm 1975, có khoảng 135 ngàn người Việt đã rời bỏ miền Nam đi lánh nạn Cộng sản. Đa số những người tị nạn đầu tiên này là thành phần cựu quân nhân, công chức, những người làm việc cho Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và gia đình của họ. Nơi tạm trú đầu tiên của những người tị nạn này trên lục địa Hoa Kỳ là các doanh trại quân đội tại các Tiểu Bang California, Arkansas, Pensylvania và Florida, trước khi họ được nhiều tổ chức tôn giáo và tư nhân bảo trợ và giúp đỡ để định cư rải rác khắp Hoa Kỳ.

Trong khi đó tại Việt Nam, tuy chiến tranh kết thúc nhưng người dân miền Nam, vốn quen sống trong một xã hội tự do, đã cảm thấy không thể nào sống nổi dưới một chế độ mà tình hình kinh tế và chính trị càng ngày càng tồi tệ cho nên họ đã tìm đủ mọi cách để ra đi cho dù phải đương đầu với rất nhiều nguy hiểm. Phương cách duy nhất lúc bấy giờ là vượt biên bằng đường biển trên những chiếc thuyền mong manh với hy vọng có được một quốc gia nào đó trong thế giới tự do dang tay đón nhận. Trong số hàng trăm ngàn người vượt biên bằng phương tiện này trong các thập niên sau năm 1975, thường được gọi là thuyền nhân, người ta không biết rõ có bao nhiêu người đã bị chết trên bước đường đi tìm tự do, tuy nhiên theo ước tính thì có đến phân nửa thuyền nhân đã vùi thây trên biển cả vì bảo tố, vì hải tặc, vì đói khát và bệnh tật.

Tin tức về các thuyền nhân Việt Nam bị thiệt mạng trên biển cả càng ngày càng nhiều đã khiến cho nhiều nước trên thế giới bàng hoàng sửng sốt. Cơ Quan Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã thương thuyết với chính phủ Việt Nam về vấn đề này, và đôi bên đã đạt được thỏa thuận về một chương trình được gọi là Ra Đi Có Trật Tự, theo đó một số người Việt có thân nhân tại Hoa Kỳ sẽ được chính phủ Việt Nam cho phép ra đi bằng những phương tiện khác để đoàn tụ với gia đình. Dù chương trình đoàn tụ này đạt được mộtsố kết quả nhưng những người Việt không có thân nhân tại Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi bằng đường biển.

Ngoài chương trình Ra Đi Có Trật Tự, khoảng 100 ngàn trẻ em thuộc thành phần con lai, cha Mỹ mẹ Việt, cũng đã được phép đến Hoa Kỳ trong thập niên 1990 với tư cách là di dân nhưng được hưởng các quyền lợi như người tị nạn nhờ một dự luật được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua trước đó.

Cũng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, hàng trăm ngàn người Việt tại miền Nam, trong đó có cựu quân nhân, công chức đã bị đưa đến các trại tập trung được gọi là cải tạo, và đã bị cầm giữ trong nhiều năm với những điều kiện rất khắc nghiệt.

Quan tâm đến những người từng là đồng minh trong thế giới tự do, chính phủ Hoa Kỳ đã có những cuộc vận động với Việt Nam trong nhiều năm để họ được trả tự do và được phép sang Hoa Kỳ theo một chương trình nhân đạo có tên là HO, bắt đầu từ cuối thập niên 1980. Tính đến nay có khoảng 100 ngàn người thuộc diện HO đã đến được Hoa Kỳ.

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng những di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ mà đa số là thuyền nhân, vẫn không quên những quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine và Hồng Kông, nơi mà chính quyền đã cho phép họ tạm trú trong thời gian chờ đợi được cứu xét để đi định cư tại một nước thứ ba.

Trong tháng 3 năm nay hàng trăm người Việt, trong đó có nhiều thuyền nhân tại Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới, đã trở lại đảo Pulau Bidong của Malaysia và Galang của Indonesia để thăm lại chốn cũ và khánh thành những tấm bia được dựng lên như là những Đài Tưởng Niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả trong cuộc hành trình đi tìm tự do.

Anh Ngụy Vũ, thuyền nhân và cũng là tác giả của tuyển tập Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông, nói về những tấm bia như sau:

Hai tấm bia đó thì cộng đồng người Việt hải ngoại vào cuối tháng 3 có một phái đoàn từ Úc Châu, từ bên Mỹ và các nước khác đã tập trung về thăm lại các đảo Bi Đông và Galang, và đã được khánh thành vào ngày 24 tháng 3 . Một tấm được dựng tại trại Pulau Bidong, và một cái tại trại tị nạn Galang. Các tấm bia này thứ nhất là để tưởng nhớ những thuyền nhân Việt Nam đi tìm tự do đả chết trên biển Đông vì nhiều lý do khác nhau. Thứ hai, các tấm bia đó cũng muốn nói lên cái lòng biết ơn của thuyền nhân Việt Nam trong giai đoạn mà các quốc gia đó đã giúp đỡ , trong đó có các hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ cũng như Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên theo những tin tức mới đây thì chính quyền địa phương đã có lệnh dẹp bỏ các bia tưởng niệm vừa kể vì những áp lực chính trị từ phía Việt Nam. Sự kiện này đã gây nhiều phản ứng trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Sau đây vẫn là lời của thuyền nhân Ngụy Vũ:

Về phản đối chính thức thì trong mấy ngày qua tại vùng quận Cam ở miền Nam Cali thì Đài Little Saigon cũng đã kêu gọi thuyền nhân Việt Nam hãy có những lá thư cụ thể để kêu gọi chính quyền Malaysia không nên làm cái hành động đó, cũng như trên tờ người Việt một tờ báo lớn nhất tại miền Nam Cali cũng đã đưa ra tất cả nhiều bản tin và nhiều ý kiến, nhiều cảm nghĩ phát biểu trên nhật báo người Việt trong đó có cả các cựu thuyền nhân, các vị lãnh đạo tinh thần, và 100% Ngụy Vũ thấy hầu như tất cả ai cũng đều có phản ứng rất là bực tức. Riêng Ngụy Vũ, đại diện cho Hành Trình Biển Đông Foundation, hiện tại Ngụy Vũ đã kêu gọi khắp mọi nơi người Việt chúng ta hãy ủng hộ và tranh đấu làm sao để 2 tấm bia này được giữ lại như là một chứng tích của lòng yêu tự do của thuyền nhân Việt Nam.

Theo thống kê của Trung Tâm Tài Liệu Đông Nam Á thì có khoảng hơn một triệu di dân người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ và là một tập thể người tị nạn Á Châu đông nhất tại Hoa Kỳ. Người Việt đã sống tập trung rất đông đảo tại Tiểu Bang California, nhất là tại Los Angeles và Orange County ở miền Nam, cũng như tại các thành phố San Jose và San Francisco ở miền Bắc. Sau đó là các khu vực Houston và Dallas ở Tiểu Bang Texas, vùng phụ cận thủ đô Washington, và các Tiểu Bang Washington , Pennsylvania, Minnesota, Massachusetts, New York, và Illinois.

Trong Ngày Người Tị Nạn Thế Giới hôm 20 tháng 6, Liên Hiệp Quốc nói rằng cơ quan quốc tế này đã giúp đỡ hơn 50 triệu người tị nạn trên toàn cầu trong hơn 50 năm qua để họ xây dựng lại cuộc sống.

Cũng theo Liên Hiệp Quốc thì ngày nay, các nước Tây Phương, và ngay cả những nước châu Phi, từng có lúc tỏ ra rất rộng lượng, nay đã không còn mở rộng vòng tay để đón nhận những người tị nạn như trước đây bởi vì số người tị nạn trên thế giới càng ngày càng tăng trong khi khả năng tiếp nhận của các nước hảo tâm thì có giới hạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG