Đường dẫn truy cập

Các bộ trưởng nội các Nam Triều Tiên bị chất vấn về vụ thử hạt nhân của miền Bắc


Cùng với thế giới đáp trả lại loan báo của Bắc Triều Tiên về vụ thử hạt nhân, đặc sứ của Washington ở Hán thành đang gợi ý có một quan hệ đóng băng hơn nữa với Bình Nhưỡng. Cũng tại thời điểm này, các nhà lập pháp Nam Triều Tiên cũng đang gia tăng sức ép với chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên, Alexander Vershbow nhấn mạnh rằng vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến cho khả năng đối thoại trực tiếp của nước này với Washington càng khó thành hiện thực hơn.

Chúng tôi đã gửi tín hiệu từ rất nhiều tháng nay rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại song phương với Bắc Triều Tiên trong bối cảnh đàm phán 6 bên. Nhưng việc chúng tôi sẽ có những hành động gì sau vụ thử nghiệm hôm qua thì lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.

Washington đã hợp tác với 4 quốc gia khác là Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc thuyết phục Bắc Triều Tiên thực hiện cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Một vài tuần trước đây, Washington đã gợi ý một cuộc gặp tay đôi nếu Bình Nhưỡng chỉ cần đơn giản chấp thuận trở lại bàn đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Hoa Kỳ đã lên án tuyên bố về vụ thử của Bắc Triều Tiên. Ông Vershbow cáo buộc Bình Nhưỡng đã “bỏ phí” cơ hội có được một tương lai tốt đẹp hơn bằng việc đổi vũ khí lấy các lợi ích kinh tế và ngoại giao.

Bắc Triều Tiên dường như vẫn lên giọng trước sự lên án của cộng đồng quốc tế. Theo thông tấn xã Yonhap của Nam Triều Tiên, một quan chức giấu tên của Bắc Triều Tiên cho biết ông hy vọng vấn đề hạt nhân sẽ được giải quyết trước khi mà theo lời ông “một sự cố không lấy gì làm vui vẻ xảy ra khi chúng tôi bắn phi đạt hạt nhân”.

Trong khi các chuyên gia dự đoán miền Bắc có thể sở hữu 2 hay 3 cơ cụ hạt nhân, họ nghi ngờ khả năng Bình Nhưỡng có đủ công nghệ để nạp chúng vào một phi đạn.

Tại Hán Thành, nội các của Tổng thống Roh Moo-hyun đang tranh luận gay gắt, đặc biệt là Bộ trưởng Thống nhất Lee Jeong-seok.

Ông Lee là người phụ trách việc thực hiện các chính sách liên quan đến Bắc Triều Tiên của Tổng thống Roh, trong đó có việc chuyển hàng tỉ đô la viện trợ và đầu tư cho miền Bắc.

Thậm chí trước khi ông Lee giải trình trước quốc hội Nam Triều Tiên, nhà lập pháp đối lập Kim Yong-gap đã yêu cầu ông xin lỗi vì đã để xảy ra vụ thử nghiệm vừa qua của miền Bắc. Ông nói thêm một cách tức giận, ông Lee nên tự nhảy xuống Sông Hàn ở Hán Thành thì hơn.

Ông Lee nói rằng ông đã cố gắng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình thông qua các biện pháp ngoại giao. Ông nói, ông rất lấy làm tiếc vì đã thất bại và đã để cho công chúng cảm thấy bất an.

Ngày hôm nay, thứ Ba, một người phát ngôn dẫn lời Tổng thống Roh cho biết chính sách này sẽ thay đổi, tuy nhiên ông không đề cập đến cách thức thay đổi ra sao.

Các bộ trưởng khác trong nội các Nam Triều Tiên cũng đã bị chất vấn mà theo các nhà lập pháp cho biết sẽ có các cuộc chất vấn tại quốc hội trong 3 ngày về vụ thử hạt nhân của miền Bắc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Yoon Kwang-ung nói rằng nước ông có khả năng duy trì an ninh.

Ông nói các lực lượng vũ trang Nam Triều Tiên hoàn toàn có khả năng đáp trả ngay lập tức bất cứ hành động nào của Bắc Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang chuẩn bị một nghị quyết trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Bắc Triều Tiên. Trước đây Bình Nhưỡng đã từng nói rằng họ coi những biện pháp trừng phạt này là một hành động chiến tranh.

Đại sứ Nam Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc phát biểu trên truyền hình rằng Nam Triều Tiên ủng hộ bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên các giới chức chính phủ khác thì nói Nam Triều Tiên sẽ không ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào chống lại miền Bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG