Một giới chức cao cấp Mỹ nói rằng vụ nổ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như đã khiến nhiều nước hỗ trợ việc áp đặt lịnh trừng phạt kinh tế lên cả Bắc Triều Tiên lẫn Iran. Hội đồng bảo an LHQ sẽ cứu xét các biện pháp trừng phạt cả hai nước trong vài ngày tới.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang yêu cầu hội đồng bảo an LHQ chấp thuận những biện pháp trừng phạt gắt gao lên Bắc Triều Tiên vào cuối tuần này. Một dự thảo nghị quyết được luân lưu tối thứ tư đòi rằng Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Nghị quyết này cũng áp đặt một lịnh cấm vận vũ khí, chuyển tiền và cấm nhập khẩu các hàng cao cấp.
Hoa Kỳ có hành động này chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Bush nói rằng ông thấy có một sự đồng tâm nhất trí mới giữa các cường quốc trên thế giới, và đây là điều rất quan trọng để gửi một thông điệp rõ rệt tới chính phủ Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Nicholas Burns nói rằng Washington đang mưu tìm các biện pháp trừng phạt tức khắc của hội đồng bảo an LHQ đối với Iran vì những hoạt động hạt nhân của nước đó. Phát biểu tại Hội đồng quan hệ quốc tế tại New York, ông Burns nói rằng việc Iran bác bỏ một sáng kiến ngoại giao của Hoa Kỳ và Châu Âu đã không mang lại một giải pháp nào ngoại trừ trừng phạt.
Chúng tôi đưa ra một đề nghị, và yêu cầu họ lựa chọn. Họ đã lựa chọn, ít ra là trong lúc này, và vì thế chúng ta cần theo đuổi đường lối trừng phạt, bởi vì Iran cần phải hiểu rằng họ phải trả một cái giá cho việc trở thành một nước sống ngoài vòng pháp luật , bên cạnh Bắc Triều Tiên là nước mà tôi cho rằng coi thường mọi quy luật liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Ông Burns nói rằng năm nước thành viên thường trực của hội đồng bản an LHQ là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đã đồng ý với nhau về một nghị quyết trừng phạt Iran. Các chi tiết của lịnh trừng phạt này đang được soạn thảo.
Ông Burns nói rằng hành động coi thường lịnh cấm vũ khí hạt nhân của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã làm thức tỉnh thế giới về nhu cầu phải gạt sang một bên những ý kiến khác biệt nhau và đoàn kết để chống lại các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Giờ đây chúng ta có thể thấy rằng vì hậu quả bất ngờ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên, và những gì ông ta đã làm, hành động của ông ta đã giúp đưa Nam Triều Tiên và Nhật bản lại gần với nhau, và cũng đưa Trung Quốc, Nga, Nhật bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là 5 nước thành viên trong các cuộc hội đàm 6 bên lại gần với nhau.
Ông Burns nói rằng hiện nay các lãnh đạo thế giới càng hiểu rõ hơn về lập trường của Washington là hai vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran liên kết với nhau.
Các lãnh đạo này đồng ý rằng những gì vừa xảy ra là không thể chấp nhận được, và phải được đáp ứng bằng sức mạnh ngoại giao. Vì thế cuộc khủng hoảng tại Bắc Triều Tiên đã mang lại cho chúng ta một cơ hội để củng cố lập trường chiến lược của chúng ta tại Châu Á,và để cải cách liên minh các nước nhằm đáp ứng với Bắc Triều Tiên lẫn Iran.
Ông Burns nói rằng ông đã mở một cuộc hội đàm qua video hôm thứ tư với các nhà ngọai giao cao cấp của Đức, Pháp,Trung Quốc, Nga và Anh cũng với ủy viên về chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu Javier Solana để thảo luận về chiến lược đối với Iran.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad hôm thứ tư tố cáo rằng một số cường quốc trên thế giới đang tìm cách bắt nạt Iran vì chương trình hạt nhân của họ. Ông không nêu tên các nước này nhưng nói rằng Hội đồng bảo an LHQ không có quyền can thiệp vào chương trình hạt nhân của Iran.
Iran đã bác bỏ lời tố cáo rằng họ đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân, và nói rằng chương trình hạt nhân của họ có mục tiêu hòa bình.