Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương sẽ nhóm họp tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối tháng này để hội đàm về vấn đề tự do hóa thương mại trong khu vực. Các nhà tổ chức cũng hy vọng thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đang bế tắc do những tranh chấp giữa những nước giàu và những nước nghèo, chủ yếu là về cơ chế bảo hộ nông nghiệp. Thông tín viên đài VOA, Luis Ramirez, người sẽ tường thuật về hội nghị thượng đỉnh này, cho biết mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.
Vụ thử nghiệm cơ cụ hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên hôm 9 tháng 10 đã rung một hồi chuông cảnh báo tới cả hai bờ Thái Bình Dương, và làm dấy lên nỗi lo ngại về những hậu quả kinh tế nếu xảy ra một cuộc đối đầu về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thương mại giữa các nước thành viên APEC chiếm một nửa tổng giá trị thương mại toàn cầu và gần 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Năm trong số các quốc gia tham dự hội nghị APEC tại Hà Nội năm nay, gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên, và Hoa Kỳ cũng là những thành viên tham gia các cuộc đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Kui-Wai Li, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về APEC tại trường đại học thành phố ở Hồng Kông cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ đem lại cho các nhà lãnh đạo một cơ hội để tham khảo ý kiến nhưng sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Có nhiều khả năng các thành viên sẽ thảo luận về trường hợp của Bắc Triều Tiên và sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với các thành viên khác tại hội nghị APEC chỉ nhằm để cảnh báo về tầm quan trọng củavấn đề hạt nhân…một nguy cơ của chiến tranh. Họ sẽ sử dụng diễn đàn này như một cơ hội để xúc tiến vấn đề hạt nhân hơn là một diễn đàn để đưa ra quyết định.
Các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho biết họ sẽ cố gắng tập trung vào các vấn đề về kinh tế, là mối quan tâm chính của APEC.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành diễn đàn APEC, ông Trần Trọng Toàn phát biểu với đài VOA rằng diễn đàn sẽ mở ngỏ cho bất cứ vấn đề nào mà lãnh đạo các thành viên APEC quan tâm.
APEC là một diễn đàn cấp cao về hợp tác kinh tế. Vì vậy chương trình nghị sự về kinh tế là trọng tâm hàng đầu của các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo. Mặt khác, khi các nhà lãnh đạo APEC gặp gỡ, họ cũng có thể thảo luận về những vấn đề mà họ cùng quan tâm, những vấn đề có tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng của APEC, ví dụ như các vấn đề về an ninh của nhân loại.
Tự do hóa thương mại là vấn đề hàng đầu. Các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới đang bị ngưng trệ do những tranh chấp về việc bảo hộ nông nghiệp đã đặt Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu vào một vị trí đối lập với các nước đang phát triển. Các nước nghèo đang cáo buộc những nước giàu có đã chậm trễ trong việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan mà họ cho rằng những hàng rào đó được đặt ra để bảo hộ những người nông dân của những nước giàu có.
Các phân tích gia cho rằng cuộc họp tại Hà Nội lần này sẽ là một cơ hội để tháo gỡ sự bế tắc này.
Người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Keith Rockwell cho biết hội nghị ở Hà Nội sẽ là một cơ hội cho các nhà lãnh đạo cùng thảo luận và tiếp tục duy trì động lực.
Đây là một diễn đàn khu vực và nhiều đối tác chính lại đến từ những khu vực khác. Vì vậy, diễn đàn bị giới hạn đối với vấn đề qui chế thành viên. Tuy nhiên, những đối tác sẽ có mặt tại Việt Nam là những đối tác hết sức quan trọng trong hệ thống của chúng tôi. Điều mà chúng tôi có thể làm là tiến hành các phiên thảo luận mà thông qua đó các thành viên tham dự có thể tìm ra những cách thức làm nền tảng cho một sự dung hòa.
Ông Alan Oxley là chủ tịch Trung tâm APEC của Australia tại Trường đại học Monash. Ông cho hay, APEC rất quan tâm đến kế hoạch của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm làm giảm các hàng rào thuế quan và mở cửa thương mại giữa các nước giàu và nước nghèo.
Các quốc gia thành viên khối APEC luôn bày tỏ mối quan ngại về sự trì chậm của quá trình tự do hóa thương mại và đặc biệt là trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ thấy sự cũng cố một xu hướng mở rộng trọng tâm của sự phát triển, từ việc tăng cường tự do thương mại đến việc phát triển các thị trường tự do.
Các phân tích gia cho hay các quốc gia thành viên APEC đều công nhận rằng tự do thương mại phải đi kèm với những nỗ lực nhằm đưa các quốc gia nghèo khó, và hàng triệu khách hàng mới của họ ra khỏi đói nghèo.
Vì vậy hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ đưa ra Kế hoạch Hành động Hà Nội, trong đó 21 quốc gia thành viên sẽ tái khẳng định cam kết của họ đối với thương mại và đầu tư tự do, nhằm mang lại lợi ích cho cả những quốc gia giàu có lẫn những quốc gia đang phát triển.
Các cuộc họp bên lề hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày 12 tháng 11. Ngoài việc thảo luận về việc làm giảm sự chênh lệch toàn cầu, các đoàn đại biểu cũng sẽ thảo luận về phương thức thúc đẩy thương mại điện tử, cải cách thuế, và thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên APEC. Tăng cường trao đổi văn hóa và du lịch cũng nằm trong nội dung của chương trình nghị sự.
Một vấn đề khác về an ninh được đưa ra thảo luận sẽ là hình thức chống lại việc cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố, nạn rửa tiền, và các hình thức lợi dụng cơ chế tài chính trong khu vực. Một số giới chức tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính APEC tại Hà Nội hồi tháng 9 đã kêu gọi thảo luận về một cam kết không cho phép sử dụng các tổ chức tài chính để tài trợ cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế sẽ diễn ra vào hai ngày 18 và 19 tháng 11.
Tổng thống Bush dự kiến sẽ trực tiếp gặp gỡ một số nhà lãnh đạo tham dự hội nghị trước khi sang thăm Singapore và Indonesia.