Đường dẫn truy cập

Việt Nam trên sân khấu thế giới


Vừa được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và là một trong các các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới hiện nay, Việt Nam đang đứng ra tổ chức hội nghị APEC. Hoa Kỳ gợi ý là Việt Nam nên đứng ra nhận lãnh một vai trò ngoại giao quan trọng hơn. Nhưng có người nghĩ rằng Việt Nam chưa sẵn sàng để nhận lãnh vai trò này.

Trong bài diễn văn tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi có hội nghị APEC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Marine, khích lệ Việt Nam hãy đi kèm những tiến bộ về kinh tế bằng một thái độ ngoại giao mạnh dạn hơn.

Trong bài diễn văn, Đại sứ Marine đề nghị Việt Nam nên từ bỏ chính sách “làm bạn với tất cả mọi người” để nhận lãnh các trách nhiệm lớn hơn, giữa lúc tình hình ổn định khu vực và toàn cầu đang bị đe dọa bởi những nước như Iran, Bắc Triều Tiên và Miến Điện.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tư vấn kinh tế cho đảng và chính phủ Việt Nam nhận định về đề nghị của ông Đại sứ Hoa Kỳ:

Khó mà có thể nói Việt Nam là quốc gia thầm lặng về mặt ngoại giao. Khi đăng cai hội nghị APEC và gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Việt Nam coi như đã giao tiếp sâu rộng với cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam còn nói rằng những đề tài nóng bỏng về chính trị, ví dụ như tình hình tại bán đảo Triều Tiên, sẽ được đem ra thảo luận tại hội nghị APEC.

Tháng trước, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam quan tâm sâu sắc về vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên và ông kêu gọi mở lại cuộc đàm phán 6 bên để giảm bớt căng thẳng.

Nhưng Việt Nam thận trọng ở chỗ không công khai phê phán Bắc Triều Tiên, nước cộng sản đối tác của họ, mặc dù từ 10 năm qua Nam Triều Tiên đã chứng tỏ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Ông Pete Peterson, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau chiến tranh nói rằng trong lúc này, Việt Nam chú ý đến các ưu tiên khác nhiều hơn.

Tôi không nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng để bước lên sân khấu quốc tế bày tỏ thái độ về những đề tài đối ngoại có tính cách tranh chấp. Có lẽ đó cũng chưa phải là điều khôn ngoan để Việt Nam làm vào lúc này. Họ cũng có đủ những vấn đề nội bộ phải giải quyết nên cũng chẳng muốn can dự trực tiếp vào vào chuyện của các nước khác .

Cựu đại sứ Peterson cho rằng tình hình địa lý chính trị quốc tế hiện nay có thể tạo rắc rối về mặt ngoại giao cho Việt Nam nếu họ chọn một thái độ mạnh mẽ trước các vấn đề thời sự quốc tế:

Việt Nam nên tiếp tục con đường hiện nay. Làm bạn với tất cả mọi nước cũng là một chính sách hay, trước tình hình phức tạp hiện nay trên thế giới. Nếu ta trông chờ Việt Nam có tiếng nói mạnh dạn hơn trong các cuộc tranh chấp quốc tế hiện nay, có lẽ sẽ không làm cho tư thế của họ khá hơn.

Nếu Việt Nam lên tiếng mạnh hơn, thì họ có thể gặp căng thẳng với Hoa Kỳ. Nhiều người theo dõi tình hình Việt Nam ghi nhận rằng trong chỗ riêng tư, nhiều quan chức Việt Nam không đồng ý với chính sách của Hoa Kỳ tại Iraq.

Vấn đề chọn một thái độ ngoại giao mạnh dạn hơn, nó khác với chuyện đăng cai hội nghị APEC.

Tôi cho rằng kêu gọi Việt Nam chọn thái độ mạnh dạn hơn trong lúc này, là một đòi hỏi quá đáng. Tôi không nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng để làm như thế.

Đó là phát biểu của nhà báo Mỹ David Lamb, đã từng làm việc tại Việt Nam trong thới gian chiến tranh và sau đó trong thập niên 1990. Ông đã viết một cuốn sách về Việt Nam, và ông nói rằng Hanoi đã trải qua rất nhiều thời gian để phát triển các quan hệ ngoại giao:

Về nhiều mặt, ta thấy phải chờ đến đầu thập niên 1990, Việt Nam mới thực sự trút bỏ quá khứ của mình. Nhờ chính sách Đổi Mới, Việt Nam bắt đầu bước lên sân khấu quốc tế. Việt Nam đã bị tẩy chay về mặt ngoại giao trong nhiều năm. Từ trước đến nay chuyện gì tại Việt Nam cũng diễn tiến hết sức chậm chạp. Sau khi chiến tranh thế giới lần 2 chấm dứt, Hoa Kỳ mở lại quan hệ với Đức và Nhật Bản chỉ trong 6 năm, dường như là năm 1951. Riêng Việt Nam phải mất đến 20 năm sau khi cuộc chiến ở đó chấm dứt.

Cho dù có sẵn sàng hay chưa sẵn sàng để có một chính sách ngoại giao năng động hơn, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng phải giữ một vai trò quốc tế, khác với vai trò từ trước đến nay.

Các nước Châu Á đã chỉ định Việt Nam làm thành viên không thường trực duy nhất tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2008-2009.

Ông Nguyễn Thành Châu, cựu Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và đang ở trong ban tổ chức hội nghị APEC hiện nay nói rằng Việt Nam cần lượng định những sức mạnh ngoại giao của chính mình:

Người Việt Nam thường nói đùa rằng ta phải cứng thì mới đứng ở đầu gió được. Việt Nam chúng ta phải xác định xem chúng ta đã đủ mạnh để đứng trước bão tố hay chưa. Cách tính toán cẩn thận như vậy cực kỳ quan trọng.

Cuối cùng, ông Châu nói rằng rất khó xảy ra chuyện Việt Nam thay đổi đột xuất chính sách ngoại giao hiện nay:

Chúng tôi không phải là quốc gia không có lập trường cụ thể. Chúng tôi có lối tư duy khôn ngoan và thích đáng. Lập trường kết bạn với tất cả mọi người không phải là một tội lỗi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG