Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đọc một bài diễn văn được trông đợi nhất trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC tại Hà Nội. Mặc dù hội nghị khu vực bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, tuy nhiên, bà Rice đã đọc một bài diễn văn tại cuộc họp thượng đỉnh các Giám đốc Điều hành bên lề hội nghị APEC về việc chuẩn bị cho một thị trường tự do, cảnh báo về mối đe dọa của nạn tham nhũng, và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Hà Nội.
Tôi cảm thấy thật đặc biệt, với tư cách là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, được đứng nơi đây, ngay tại Hà Nội, 3 thập kỷ sau cuộc chiến đau buồn giữa hai nước chúng ta. Và câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay không phải về cuộc xung đột, mà về cộng đồng, về sự tiến bộ, và về sự hợp tác.
Bà Rice và Tổng thống George W. Bush đang phất lên lá cờ của sự hàn gắn và của đối tác thương mại khi họ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Một đất nước với cả một thế hệ và hàng triệu doanh nhân trẻ cách xa với cái gọi là Cuộc chiến chống Mỹ và tiếp sau đó là một quá trình bị cô lập về xã hội và chính trị.
Tuy nhiên vị Ngoại trưởng cũng đã nhắc nhở Việt Nam, nước đang trông đợi sẽ thu hút hàng tỉ đô đầu tư trong năm nay, và các nền kinh tế khác ở hai bờ Thái Bình Dương về bản chất của đối tác thương mại.
Rất nhiều người dân trong khu vực này đang vượt ra khỏi đói nghèo, và vượt qua với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Thưa quí vị, bài học ở đây thật rõ ràng. Các nền kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một khối gắn kết đầy đủ và không thể tách rời. Chúng ta cùng chia sẻ lợi ích cũng như gánh nặng để đem lại nhiều thịnh vượng hơn.
Trong số những gánh nặng này có việc thúc đẩy các chính phủ cải cách, giải quyết tình trạng tham nhũng, một tình trạng đã được các cơ quan đánh giá rủi ro và các tổ chức cho vay quốc tế gọi là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Thông điệp của Bà Rice về vấn đề này rất rõ ràng: Cải cách hay chấp nhận suy thoái kinh tế.
Ngày càng có nhiều doanh nhân cảm thấy mệt mỏi và chán nản với những rủi ro về mặt kinh tế bởi những hành động chính trị thiếu lương tâm. Và lý do thật dễ hiểu. Ai lại muốn kinh doanh trong một nền kinh tế có các quy định của luật pháp được thực thi một cách thất thường, hoặc không hề được thực thi? Hay ở một nước nơi nhà nước bị tham nhũng hoành hành. Đây là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau. Bởi tham nhũng và thiếu pháp quyền chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, đối với cả các nền kinh tế phát triển và những nền kinh tế sẵn sàng gia nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế và đem lại lợi ích cũng như sự thịnh vượng cho nhân dân của họ.
Một số doanh nhân Việt Nam nhiệt liệt tán thưởng phát biểu của ngoại trưởng Rice.
Bà Rice đã tán thưởng quyết định quan trọng trong việc thực hiện chính sách đổi mới của Hà Nội hai thập kỷ trước đây, và nói rằng mở mang năng lực thương mại của người Việt Nam là trọng tâm trong chính sách tăng cường quan hệ với Hà Nội của Washington. Bà cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục muốn Việt Nam có trách nhiệm về những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, cuối cùng bà nhận định rằng hai quốc gia có thể vượt qua quá khứ đau buồn để hướng tới tương lai.
Tất nhiên Hoa Kỳ và Việt Nam đã nối lại mối quan hệ ngoại giao, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ còn khôi phục lại nhiều hơn thế nữa, hai nước đã nối lại một sự hợp tác đầy hy vọng, và một niềm hy vọng cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ để cùng hợp tác và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trường hợp của Việt Nam đáng để noi theo, bởi Việt Nam đã cho chúng ta thấy một đất nước đã vượt qua quá khứ như thế nào để mang lại lợi ích cho quốc gia mình, Việt Nam cũng cho chúng ta thấy một nước không cần phải bám víu lấy quá khứ mà có thể hướng tới tương lai.