Đường dẫn truy cập

Tổng kết của Ban Việt Ngữ sau APEC


Thưa quý vị, như quý vị đã biết, Trưởng Ban Việt Ngữ Michael Mathes đang có mặt ở Việt Nam để theo dõi hội nghị APEC. Và vào sáng sớm thứ Hai, giờ Việt Nam, anh đã tường trình qua điện thoại một số chuyện như sau:

Q: Thưa anh, bây giờ thì hội nghị cấp cao APEC đã chấm dứt. Nếu nhìn lại diễn tiến, chúng ta thấy những đề tài quan trọng nào đã mang 21 nhà lãnh đạo khu vực ngồi lại với nhau trong 2 ngày cuối tuần vừa qua?

A: Có 2 đề tài rõ nét trong hội nghị năm nay: hồi sinh cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đang gặp bế tắc, và cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Về mặt thương mại, nhóm APEC nhấn mạnh nhu cầu cấp bách là phải khởi động lại vòng đàm phán Doha của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Trong thông cáo chung đưa ra hôm chủ nhật, lãnh đạo APEC nhấn mạnh rằng họ sẽ không từ bỏ một nỗ lực nào để phá vỡ bế tắc hiện nay, bởi vì nếu vòng đàm phán này mà thất bại thì các hậu quả có thể nói là cực kỳ nghiêm trọng cho tình hình kinh tế các nước APEC, đó là tôi trích nguyên văn bản thông cáo.

Thông cáo chung ở Hà Nội cũng nhấn mạnh nhu cầu phải có một khung cảnh doanh nghiệp an ninh và thuận lợi hơn, và thông cáo cũng nói rằng họ sẽ nghiên cứu viễn cảnh lâu dài của một đề xuất theo gợi ý của Hoa Kỳ, là tạo ra một khu vực thương mại tự do cho khắp vùng Thái Bình Dương. Và khi nhắc đến thương mại, chắc chị cũng ghi nhận rằng nhân dịp hội nghị APEC ở Hà Nội, Hoa Kỳ và Nga đã ký một hiệp định thương mại quan trọng, giúp Nga giải quyết những trở ngại cuối cùng để được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Mặc dù là một nước lớn, nhưng hiện nay Nga vẫn chưa là thành viên của WTO. Ở đây có một điều mỉa mai là người Nga đã ký hiệp định đó tại Việt Nam, một quốc gia trước đây vẫn trung thành đi theo chủ nghĩa xã hội kiểu Soviet, nhưng cuối cùng lại quay sang mô hình kinh tế thị trường của WTO, và đã được kết nạp vào tổ chức trước cả quan thầy của mình ở Moskva.

Q: Đó là đề tài thứ nhất, lúc nãy anh có nói Bắc Triều Tiên cũng là đề tại chính trị bao trùm hội nghị APEC lần này?

A: Đúng vậy! Vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã làm khắp nơi lên án, cho nên tôi cũng xin nói qua một chút tại sao đề tài đó lại chen chân được vào lịch trình làm việc của hội nghị APEC lần này. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người chủ trì hội nghị APEC đã đưa ra một tuyên bố trước hội nghị và sau đó, ông cũng đưa ra trước các nhà báo, trong đó ông nhấn mạnh rằng vụ thử nghiệm hạt nhân của chính phủ Bình Nhưỡng là một đe dọa rõ rệt cho hòa bình và an ninh khu vực. Một số người cho rằng tuyên bố này hơi yếu vì chỉ có nói, chứ không có văn bản được in ra hẳn hòi.

Tuy nhiên, rõ ràng là có một cuộc vận động ngoại giao dồn dập tại Hà Nội trong suốt tuần qua về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã có những buổi gặp mặt riêng rẽ với lãnh đạo của các nước Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nga và Nhật Bản để tìm cách tước bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Q: Anh vừa nhắc đến Tổng Thống Bush, sau mấy ngày ông ấy ở Hà Nội, anh có những nhận xét gì ?

A: Một nhà báo quen tôi ở Hà Nội gọi chuyến đi của Tổng Thống Bush tới Hà Nội là chuyến đi đến thủ đô của một quốc gia mà người ta đang sử dụng để so sánh với một quốc gia khác, đang làm cho ông đau đầu. Ông Bush đang hết sức bận tâm về cuộc chiến tranh Iraq và nhiều người đã ví nó như chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài chuyện thừa nhận chiến tranh Việt Nam đã mang lại vài bài học cho chiến tranh Iraq, ông Bush dường như muốn tập trung nhiều hơn vào sự chuyển đổi của tình hình kinh tế Việt Nam và quan hệ thương mại đang nảy nở giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Ông ấy thường thuyên nhắc tới đầu óc làm ăn của người Việt, con số gia tăng của trao đổi thương mại song phương, hoặc những cải cách mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong mấy năm gần đây.

Tuy nhiên, cũng có một vài sự kiện có tính cách biểu tượng mà ta không thể bỏ qua. Ví dụ như ông Bush đã hội đàm với Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết phía trước bức tượng của ông Hồ Chí Minh; sau đó gặp Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh; đi thăm văn phòng MIA, tức là văn phòng tìm kiếm người Mỹ mất tích; và ông cũng đi ngang qua lăng ông Hồ Chí Minh.

Q: Anh đánh giá công tác tổ chức hội nghị APEC của Việt Nam như thế nào?

A: Tôi nghĩ là người Việt được đánh giá là khá, sau hội nghị này. Việt Nam đã quyết tâm không để cho xảy ra thất bại. Đây là dịp để họ phô trương, giữa lúc họ được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới; giữa lúc mà họ đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ nhì tại châu Á, chỉ sau có Trung Quốc; và giữa lúc mà mà họ được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lấy tên ra khỏi các nước cần phải lưu tâm đặc biệt về tự do tín ngưỡng.

Hội nghị APEC lần này là cơ hội tốt nhất từ mấy chục năm qua để Việt Nam có thể le lói trước sân khấu quốc tế. Và về nhiều mặt, tôi phải công nhận họ đã đạt được điều đó. Thái độ hiếu khách của người Việt gây ấn tượng cho nhiều đại biểu, kể cả Ngoại Trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice. Đường phố Hà Nội thì sạch sẽ, sống động và náo nhiệt. Không thấy xảy ra xáo trộn về mặt an ninh. Và một điểm nữa, mà tôi không biết có phải là cố ý hay không, nhưng các đại biểu đến dự APEC đều công nhận là họ không hề thấy một dấu vết nào của chủ nghĩa xã hội tại trung tâm hội nghị quốc gia mới vừa xây xong. Điều này khác hẳn những nơi công cộng khác mà ta thường thấy tại Việt Nam. Tại trung tâm hội nghị quốc gia đó, người ta không thấy tượng của ông Hồ Chí Minh, không thấy một khẩu hiệu cộng sản hoặc một tác phẩm nghệ thuật có tính cách tuyên truyền nào. Có vẻ như chính quyền muốn cho thấy Việt Nam bây giờ chỉ lo làm ăn, Việt Nam là một con hổ đang đeo đuổi thị trường tự do và muốn vứt bỏ cái di sản xã hội chủ nghĩa của mình để tiến lên.

Thế nhưng đăng cai hội nghị APEC cũng có những vấn đề của nó.

Các nhóm bênh vực nhân quyền chỉ trích Hà Nội đã lùa hết các trẻ em bụi đời để đưa ra khỏi thủ đô. Nhiều nhóm cổ vũ cho dân chủ cũng kêu ca là các nhân vật bất đồng chính kiến đã bị hù dọa, tạm giam, và có trường hợp đã bị công an đánh đập trước hoặc trong thời gian có hội nghị. Các nhân vật bất đồng chính kiến cũng bị cắt điện thoại, và chỗ ở của họ được canh gác chặt chẽ hơn thường ngày.

Nhưng tôi tin rằng, nếu ta nhìn toàn cảnh, chính phủ Việt Nam có thể hài lòng khi thấy rằng họ đã tổ chức xong hội nghị mà đã không xảy ra một sự cố quan trọng nào.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG