Hôm thứ Hai là ngày đánh dấu lễ tốt nghiệp của một trường đại học đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn do nước ngoài quản lý. Các tân khoa đã lắng nghe những lời phát biểu mang nặng tính cách doanh nghiệp, đến từ một vị khách đặc biệt, là Thủ Tướng của Australia.
Nhưng theo tường trình của Michael Mathes, Trưởng Ban Việt Ngữ đang có mặt tại Việt Nam, thì muốn đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong thế kỷ 21, Việt Nam cần phải nâng cao trình độ giáo dục hiện nay.
Trên các bực thềm của nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, các sinh viên vừa tốt nghiệp trường đại học quốc tế RMIT đã tung các chiếc nón của họ lên trời, vui mừng sau khi tốt nghiệp để trở thành những người ở thứ bậc cao trong số các doanh nhân trẻ của Việt Nam.
Có tất cả 242 người tốt nghiệp, con số cao nhất kể từ khi trường này mở cửa vào năm 2001. Nhiều người trong số này đã nhận được việc làm trong các công ty đa quốc đang hoạt động tại Việt Nam, bây giờ là thị trường chạy theo đòi hỏi của người tiêu dùng. Những người còn lại đang phấn đấu trong những công ty mới thành lập, hoặc nhảy sang ngành công nghệ thông tin.
Trong bài diễn văn đọc trước các sinh viên tốt nghiệp, Thủ Tướng Australia ông John Howard gọi các tân khoa là những người thuộc một thế hệ doanh nhân, nhà quản lý và giám đốc chấp hành tương lai, tuy bây giờ thì ít, nhưng ngày càng đông, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội có sẵn trong một thị trường tự do.
Tương lai của Việt Nam, và thật vậy, tương lai của nhiều nước đang phát triển tong vùng châu Á Thái Bình Dương và trên khắp thế giới, nằm trong thái độ sẵn sàng của các nước đó khi nắm bắt các cơ hội mà tình hình kinh tế toàn cầu mang lại.
Những lời lẽ của Thủ Tướng Australia, vừa mới dự hội nghị APEC ở Hanoi xong, thật là đến đúng thời điểm của Việt Nam, quốc gia vừa mới gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đang có tộc độ tăng trưởng cao, và được cả thế giới chú ý vì đã đăng cai hội nghị cấp cao APEC.
Giờ đây, thách thức quan trong cho Việt Nam là làm thế nào nâng cao trình độ giáo dục và xây thêm trường đại học để nhiều người có thể được đào tạo đúng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh.
Viện trưởng trường đại học RMIT tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Michael Mann, nói rằng chính phủ Việt Nam thực ra cũng có chú ý đến chuyện này.
Một trong những lý do khiến trường chúng tôi được yêu cầu đến giảng dạy tại Việt Nam là chúng tôi có thể trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi. Và trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác tuyệt vời của chính quyền Việt Nam. Một trong những điểm hay của Việt Nam là người Việt hiểu được giá trị của giáo dục, họ biết rằng đó là một trong một viên gạch nền móng chắc chắn nhất để giúp đất nước phát triển.
Chẳng những trường RMIT được chính phủ Việt Nam cho toàn quyền soạn giáo trình, mà giới lãnh đạo nhà nước cũng dành cho trường này một sự cổ vũ, bằng cách gửi con cái của họ đến học.
Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát là người có 2 con theo học tại trường. Ông đến dự lễ tốt nghiệp của một trong 2 người và nói rằng ông rất hài lòng khi thấy trường RMIT giúp Việt Nam triển khai một loại văn hóa biết coi trọng và dành phần thưởng cho sự sáng tạo và sự độc lập của đại học.
Một vài chuyên viên cảnh báo rằng tệ nạn tham nhũng và hệ thống giáo dục của nhà nước phải thay đổi nhanh hơn, và quyết liệt hơn. Mỗi năm, Việt Nam có 1 triệu 200 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học, nhưng chỉ có 200 ngàn vào đại học.
Ông Tom Vallely, người đặc trách chương trình giúp đỡ Việt Nam tại trường Hành Chính Công quyền Kennedy, thuộc trường đại học Harvard của Mỹ cho biết: gian lận thi cử, tham nhũng, quản lý yếu kém và trình độ thấp; là những đặc tính đan kết với nhau để níu kéo không cho các trường đại học Việt Nam đạt đúng tiềm năng.
Ông đề nghị chẳng những cần phải đại tu các trường đại học hiện có, mà còn phải xây thêm những trường có chất lượng từ dưới đi lên, những trường có thể giúp ích những người như chị Nguyễn Thị Hương Thu.
Chị HươngThu, 25 tuổi, gia đình ở Biên Hòa, Chị tốt nghiệp cử nhân Thương mại của trường RMIT. Vài tháng nữa, chị sẽ đi Đức để làm việc tập sự với UNESCO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Viện trưởng trường đại học RMIT tại thành phố Hồ Chí Minh, Ông Mann còn cho biết: có rất nhiều nơi đang muốn tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp từ trường RMIT. Gần 100%sinh viên tốt nghiệp đều kiếm được việc làm, trong khi tỷ lệ của các trường đại học Việt Nam khác là 37%. Mức lương của sinh viên tốt nghiệp từ trường RMIT cũng cao gấp 4 hoặc 5 lần mức các sinh viên các trường đại học Việt Nam khác.
Trong khi đó, số người muốn học ở RMIT cũng tăng khủng khiếp. Cách đây 4 năm chỉ có 30 sinh viên, bây giờ là 3000 và trường trông đợi sẽ có 10000 sinh viên trước năm 2011.