Cựu Thủ tướng Bangladesh, Sheik Hasina, đã trở về thủ đô Dhaka của nước này sau hai tháng đi xa. Bà Hasina và các thành viên cao cấp trong đảng chính trị của bà bị cáo buộc tội giết người qua những vụ phản đối bạo động hồi năm ngoái. Cáo trạng vừa kể được đưa ra trong khi bà đi nghỉ tại Hoa kỳ, và tháng rồi bà đã không được phép đáp một chuyến bay về nước.
Hai tuần lễ sau khi có ý định trở về nước lần đầu tiên, cựu Thủ tướng Bangladesh, Sheik Hasina, đã bước bước xuống khỏi một chiếc phi cơ thương mại tại phi trường Dhaka, được canh phòng nghiêm ngặt.
Bà được tiếp đón bởi 10 giới chức thuộc liên minh Awami của bà. Đó là con số tối đa được chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn cho phép ra phi trường. Bà nói với các phóng viên rằng bà rất phấn khởi được trở về nước.
Không có một cuộc nào tụ tập được phép tổ chức để chào mừng bà bổi vì chính phủ Bangladesh đã ban hành tình trạng khẩn cấp từ hồi tháng giêng.
Bà Hasina trở về sau khi chính phủ nhượng bộ trong nỗ lực buộc bà phải đi sống lưu vong. Nhưng nay khi trở về nước thì bà lại phải đối diện với các cáo trạng từ tống tiền cho đến trợ giúp sát nhân.
Chủ tịch của Hiệp hội Khoa học và chính trị Bangladesh, ông Ataur Rahman, thuộc trường đại học Dhaka, coi cuộc đối đầu này như một trò chơi chính trị đối với cả bản thân bà và chính phủ Bangladesh. Theo ông thì giờ đây cả hai bên phải chuẩn bị để ra tranh cãi trước tòa án.
Chính phủ phải thực sự đưa ra một chứng cớ nào đó để hỗ trợ cho lời cáo buộc của họ, nếu không thì sẽ bị quật ngược trở lại, gây hậu quả nặng nề cho chính phủ. Còn Sheik Hasina phải chuẩn bị để chống lại những cáo buộc của chính phủ, trừ phi bà cùng chính phủ thương thảo với nhau.
Trước khi lên máy bay tại phi trường Heathrow tại London, bà Hasina tuyên bố với các phóng viên báo chí rằng bà không biết liệu bà có sẽ bị câu lưu khi trở về hay không, nhưng ưu tiên cấp thời của bà là hành động dể phục hồi nền dân chủ của Bangladesh.
Thủ lãnh của Liên đoàn Awami đã cố gắng quay về nước lần đầu tiên hồi giữa tháng Tư vừa qua, nhưng chính phủ lâm thời Bagladesh đã cấm bà về viện lý do về an ninh là sẽ xảy ra bất ổn.
Bà Hasina giữ chức Thủ tướng Bangladesh từ năm 1996 đến năm 2001. Bà là một đối thủ lâu năm của bà Khaleda Zia, một cựu Thủ tướng khác.
Một đồng minh chủ chốt của đảng Dân tộc Bangladesh của bà Zia là tổ chức hồi giáo chính thống Jamaat-e-Islami đã đệ đơn kiện bà Hasina và các nhà lãnh đạo khác trong Liên đoàn Awami, cáo buộc họ chịu trách nhiệm về cái chết của 6 nhà hoạt động của tổ chức này trong các cuộc biểu tình hồi năm ngoái.
Ban hành tình trạng khẩn trương hồi tháng Giêng, chính phủ được quân đội hậu thuẫn đã có những hành động loại trừ ra khỏi chính trường hai vị nữ cựu Thủ tướng, được gọi là “quý bà hồi giáo thượng lưu đấu đá nhau.”
Giáo sư Rahman thuộc viện đại học Dhaka tiên đoán rằng kỷ nguyên ảnh hưởng của hai bà thực ra đã kết thúc.
Họ sẽ mất vị thế lãnh đạo trong đảng của họ. Và họ cũng sẽ không còn khả năng đóng một vai trò bao trùm chính sự Bangladesh trong những năm sắp tới nữa. Tôi chắc chắn về điều đó. Nhưng sự việc sẽ diễn tiến ra sao thì tôi không biết được.
Hai người phụ nữ này thừa kế các triều đại chính trị hàng đầu của Bangladesh. Thân phụ của Sheikh Hasina là vị tổng thống đầu tiên của Bangladesh, đã bị ám sát. Còn chồng của bà Zia, một nhà cựu độc tài, cũng bị ám sát.