Đường dẫn truy cập

Mỹ có gây áp lực quá độ với Việt Nam?


Các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Mỹ gia tăng áp lực đòi giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng nhân quyền và thực thi cải cách dân chủ nhân cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của Việt Nam và Tổng thống George W Bush của Mỹ tại Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ sáu tới đây. Trong khi đó, một số học giả ở Mỹ lại kêu gọi chính phủ của Tổng thống Bush lưu ý đến mối rủi ro là Hà Nội sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc nếu Hoa Kỳ gây áp lực quá độ lên Hà Nội về vấn đề nhân quyền.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí Việt Nam hồi tuần trước trong lúc chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết ông sẽ trao đổi với Tổng thống George W Bush về những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính hiệu quả và ổn định của mối quan hệ Việt-Mỹ. Ông Triết cũng nói thêm rằng "tuy hai bên vẫn còn một số bất đồng, nhất là về vấn đề dân chủ, nhân quyền" nhưng ông tin rằng những khác biệt này là rất nhỏ so với lợi ích chung của hai nước và cần được giải quyết thông qua đối thoại."

Tuyên bố có tính chất lạc quan và hòa hoãn này của nhà lãnh đạo Việt Nam đã được một số học giả ở Mỹ chú ý, và họ cho rằng đây là một dấu hiệu khác nữa cho thấy rằng giới lãnh đạo Hà Nội sẵn sàng gạt qua một bên những gánh nặng cồng kềnh của ý thức hệ cách mạng để theo đuổi những mục tiêu cụ thể hơn về chiến lược, như phát triển kinh tế xã hội và duy trì ổn định chính trị và quân sự; và vì thế, chính giới Hoa Kỳ cũng nên có một tầm nhìn rõ ràng hơn và có thái độ linh động hơn trong sự giao tiếp với Việt Nam.

Trong bài viết mới đây đăng tải trên tạp chí National Interest của Trung tâm Nghiên cứu Nixon, giáo sư Phạm Hoàng An (J Peter Pham), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Công cộng Sự vụ của Đại học James Madison, nói rằng "đối với Hoa Kỳ, đây là một cơ hội độc đáo để chẳng những có thể thăng tiến cho các giá trị của mình về con người và thị trường tự do, mà còn để thăng tiến quyền lợi quốc gia trong một khu vực cực kỳ quan trọng về địa chiến lược."

Giáo sư Brantly Womack, một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung của Đại học Virginia, tán đồng ý kiến của giáo sư Phạm Hoàng An. Nhưng ông nói thêm rằng Hoa Kỳ cần phải giao tiếp với Việt Nam bằng một thái độ nghiêm túc, phải đặt quan hệ với Việt Nam lên một ưu tiên cao hơn sau khi quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước giờ đây đã hoàn tất:

Ông Womack nói: "Tiến trình bình thường hóa quan hệ đã diễn ra quá chậm chạp. Giờ đây, quá trình đã hoàn tất, Hoa Kỳ cần phải suy tính đến vấn đề là mối quan hệ tổng thể với Việt Nam nên như thế nào khi mà quan hệ đã hoàn toàn bình thường và Việt Nam đã trở thành hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng lý do cơ bản khiến Hoa Kỳ phải lưu tâm nhiều hơn tới Việt Nam là những lý do có liên hệ với chính bản thân Việt Nam, chứ không phải vì mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Việt Nam có dân số đông hơn Ai cập hoặc Đức. Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho công cuộc thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ."

Giáo sư Womack nói thêm rằng Việt Nam cần tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Quốc, nhưng đây không phải là vấn đề nên nghiêng Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc hay không, mà chỉ là để tránh xảy ra tình trạng lệ thuộc quá độ vào bất kỳ một cường quốc nào. Về phần Hoa Kỳ, ông cho rằng Washington nên theo đuổi một sách lược khôn khéo hơn; đó là giao hảo với mọi nước chứ không nên chú tâm nhiều quá vào mối quan hệ có nhiều căng thẳng với Trung Quốc và chỉ lưu tâm với những nước nhỏ hơn khi nào xảy ra tình trạng khủng hoảng, như vụ khủng hoảng ở Bắc Triều Tiên.

Cũng theo lời giáo sư Womack, vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam nên do người Việt giải quyết. "Rốt cuộc thì vấn đề dân chủ và nhân quyền nên do chính người dân của nước đó giải quyết. Dĩ nhiên không phải là Hoa Kỳ nên làm ngơ, nhưng Washington cần có một thái độ tôn trọng và không nên một mực cho rằng mình là đúng và nước khác là sai. Chúng ta cần phải cẩn thận để khỏi bị rơi vào một tình trạng khó xử cho cà đôi bên, đó là theo đuổi "sứ mạng giải phóng nhân loại" của thời kỳ đã qua."

Giáo sư Womack nhận xét rằng: trong năm 2006 Việt Nam đã đạt được tiến bộ chưa từng có về mặt cởi mở chính trị, xã hội - và theo ông, sự trấn áp hồi gần đây có thể chỉ là một sự điều chỉnh sau khi phe dân chủ ở Việt Nam đã có hành động mà ông gọi là "mạo hiểm" trong lúc giới lãnh đạo Hà Nội bị hạn chế bởi những nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC.

Giáo sư Womack nói: "Những gì xảy ra trong 6 tháng qua rất có thể chỉ là một sự điều chỉnh có tính chất tạm thời từ những tiến bộ đạt được trong năm ngoái, chứ không phải là những dấu hiệu của một xu thế đen tối."

Giáo sư Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội tỏ ý lo ngại trước điều mà ông cho mối nguy phát xuất từ những thế lực thân Trung Quốc. Tuy tỏ ý thông cảm với những lo ngại về việc Việt Nam có thể bị lọt vào quĩ đạo Trung Quốc nếu Washington có thái độ quá cứng rắn với Hà Nội, giáo sư Nguyễn Thanh Giang tỏ ý lạc quan về khả năng ứng phó của giới lãnh đạo Hoa Kỳ.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài phỏng vấn:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG