Chủ tịch nước Việt Nam có thể phải ứng phó với một cuộc hội kiến không được thoải mái với các nhà lập pháp Mỹ nóng lòng muốn bàn đến những lời than phiền về những vụ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cũng như thành quả kinh tế ngoạn mục của nước này.
Ông Nguyễn Minh Triết đến thủ đô Washington vào ngày thứ năm cùng với một phái đoàn hơn 100 doanh nhân Việt Nam. Phái đoàn dự tính nhấn mạnh vào những cuộc thương lượng mua máy bay phản lực của công ty Boeing và một khung hiệp định thương mại và đầu tư có thể được ký kết, thường có tác dụng như một lộ đồ hướng tới các cuộc thương thuyết mậu dịch tự do chung cuộc.
Ông Triết cũng sẽ phải ứng phó với những rủi ro chính trị có nhiều tiềm năng sẽ xảy ra tại Quốc hội Hoa Kỳ, nơi các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Việt Nam là làm lơ trước những cam kết về nhân quyền, và gia tăng việc trấn át các thành phần bất đồng chính kiến.
Hôm qua, nhà lãnh đạo Việt Nam đã đọc bài phát biểu trong buổi tiếp tân tại Hội Á Châu ở New York.
Bài diễn văn của ông Triết đã bị gián đoạn bởi những tiếng la ó của một số người phản đối việc bắt bớ và giam cầm các nhân vật bất đồng chính kiến. Ông Triết đã tỏ ra bình tĩnh và nói rằng những hành động phản đối như vậy là chuyện bình thường.
Ông Nguyễn Minh Triết kêu gọi các nhà đầu tư đến kinh doanh ở Việt Nam vì đây là một đất nước mà ông gọi là hấp dẫn.
Người đứng đầu nhà nước Việt Nam cũng nhân dịp này gửi tới kiều bào một thông điệp đặc biệt.
Đứng trước những câu hỏi về vụ đàn áp các thành phần đối lập, ông Triết cũng lập lại những phát biểu mà Hà Nội vẫn thường đưa ra lâu nay.
Trong khi đó, tại Washington Dân biểu Ed Royce của đảng Cộng hòa, cho biết ông sẽ nói cho ông Triết biết rằng nếu muốn tăng cường tình thân hữu Mỹ Việt, như ông Triết mong muốn, thì Việt Nam phải theo một chế độ đa nguyên dưới mọi hình thức. Ông Royce dự định tham dự cuộc hội kiến ngày thứ năm dưới sự chủ trì của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ông nói bịt miệng những thành phần bất đồng chính kiến và đàn áp tự do tôn giáo không phải là những phương cách hướng tới một quan hệ hợp tác chặt chẽ.
Ông Triết sẽ hội kiến tổng thống George W. Bush ở Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ sáu.
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, Việt Nam đã đạt được mục tiêu là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hồi tháng giêng; Vào lúc đó, các giới chức Hoa Kỳ đã tỏ ra hy vọng rằng Việt Nam bắt đầu đạt được các tiến bộ hướng tới việc cải thiện thành tích nhân quyền thê thảm của mình.
Tuy nhiên, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, nói rằng Việt Nam lại bắt đầu một trong những cuộc trấn át tệ hại nhất từ nhiều năm nay. Việt Nam đã bắt giữ hoặc kết án tù ít nhất 8 nhân vật đấu tranh cho dân chủ trong mấy tháng vừa qua, trong đó có một linh mục Công giáo.
Để gửi đi một tín hiệu bất tán đồng, tổng thống Bush đã tiếp 4 nhân vật tranh đấu người Mỹ gốc Việt.
Một trong những người đó là ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân, đã gặp bà Pelosi hôm thứ tư. Ông hối thúc bà làm áp lực với ông Triết để phóng thích các tù nhân chính trị và tôn trọng quyền của người dân Việt Nam.
Theo ông Điềm, áp lực của các nhà lập pháp Mỹ và tổng thống Bush, có thể đem lại tiến bộ ở Việt Nam. Ông Điềm nói rằng Việt Nam cần Hoa Kỳ để phát triển kinh tế; Việt Nam cần Hoa Kỳ để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ ở trong một vị thế rất tốt để làm áp lực đòi nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.
Việt Nam không dung dưỡng bất cứ thách đố nào với chế độ cai trị độc đảng của Cộng sản. Việt Nam lúc nào cũng khẳng định là chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật. Trong mưu toan xoa dịu những mối nghi ngờ tại Washington, Việt Nam mới đây đã trả tự do cho hai nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông Frederick Brown, một chuyên gia về đông nam châu Á tại trường đại học Johns Hopkins, nói rằng ông Triết sẵn sàng nhận những lời chỉ trích gay gắt từ phía một số đại biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo tin của AFP, Tòa Bạch Ốc đã cho biết là tổng thống Bush sẽ bầy tỏ mối quan ngại sâu xa về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Các đoàn thể Mỹ tranh đấu cho dân chủ của người Mỹ gốc Việt dự định tổ chức những cuộc biểu tình lớn bên ngoài Tòa Bạch Ốc để phản đối và lúc các nhà lãnh đạo của hai nước gặp nhau.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống: