Đường dẫn truy cập

Phản ứng của cộng đồng người Việt về chuyến đi Mỹ của chủ tịch VN


Sáng nay, trong lúc Tổng thống Bush chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, những người Việt Nam ở Mỹ đã từ nhiều nơi trong nước rủ nhau đến Washington, tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ trước Tòa Bạch Ốc để phản đối điều mà họ cho vụ đàn áp nhân quyền và dân chủ mà giới hữu trách Hà nội đã và đang thực hiện. Trong khi đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng chỉ trích gay gắt tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong cuộc họp ngày hôm qua với phái đoàn của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

Khoảng 1,000 người Việt, với những biểu ngữ đòi nhân quyền và những chiếc áo thun có hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại phiên tòa ở Huế, đang thực hiện một cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc. Đoàn người biểu tình đã hô to những khẩu hiệu chống đối chính quyền Cộng sản Việt Nam và đòi Hà nội trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn trọng quyền con người của người dân, và thực hiện cải cách dân chủ. Một số người biểu tình đã tìm cách tiến đến gần hàng rào của Nhà Trắng nhưng đã bị lực lượng cảnh sát rất đông đảo ngăn chận.

Một người tham dự cuộc biểu tình đã cho ban Việt Ngữ đài VOA biết như sau: "Mục đích của cuộc biểu tình để yêu cầu tổng thống Bush đặt điều kiện cụ thể đối với công cuộc đấu tranh dân chủ và tự cho cho Việt Nam"

Cuộc biểu tình này diễn ra một ngày sau khi một nhóm các nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã viết một bức thư gửi Tổng thống Bush công khai chỉ trích điều mà họ gọi là tình hình nhân quyền đang ngày càng tồi tệ hơn ở Việt Nam kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Hà Nội vào tháng 11 năm 2006. Lá thư này đã được đọc tại cuộc họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

"Nhà chức trách Việt Nam đã không ngần ngại tiến hành một loạt các vụ bắt bớ và kết án tù nhiều năm bất cứ người nào dám đứng lên đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam."

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ bà Nancy Pelosi, đã đón tiếp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại trụ sở quốc hội và cho biết quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và nhân quyền là hai vấn đề chính trong chương trình nghị sự.

Các nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về các vụ vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Dân biểu Ed Royce nói rằng vụ trấn áp các nhân vật bất đồng chính kiến bất bạo động là vụ việc tồi tệ nhất mà ông đã chứng kiến trong 20 năm qua. Ông nêu lên một loạt các câu nói mà ông Triết nên nói:

"Ðiều mà ông ấy có thể làm là ông ấy nên nói rằng 'tôi sẽ trả tự do cho các tù nhân chính trị', ông ấy nên nói rằng 'tôi sẽ không ngăn chận việc chuyển tải thông tin về Việt Nam', ông ấy có thể nói 'tôi sẽ giảm lực lượng công an chìm đi theo dõi thanh niên sử dụng internet để thảo luận'"

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA vào sáng sớm ngày thứ sáu, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, cho biết như sau về nội dung cuộc gặp:

"Chúng tôi nghĩ rằng cuộc trao đổi ở Hạ viện rất là tích cực, và hầu như tất cả các vị phát biểu và kể cả Chủ tịch Nancy Pelosi thì điều quan tâm đến Việt Nam và quan hệ Việt Mỹ và không ít trong các vị đó là đặc biệt ông Hoyer và ông Lantos đều có ý định đi thăm Việt Nam. Họ cũng có thiện chí với Việt Nam, ông Tom Lantos đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam về vấn đề y tế, và cho rằng sắp tới ngoài 15 triệu đã dành cho Việt Nam trong chương trình chống HIV/AIDs của chính phủ Mỹ, thì có lẽ số viện trợ sẽ được nhân lên. Ðồng thời cũng ghi nhận các phát triển kinh tế và cải cách kinh tế của Việt Nam, và ghi nhận con đường Việt Nam đã trải qua là ngoạn mục. Và đồng thời đương nhiên họ cũng mong muốn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa tự do con người và tự do tôn giáo, và như vậy là cái quan hệ đối tác thì được đặt trên cơ sở mà họ gọi là 'Giá trị được chia sẻ'"

Khi được hỏi về phản hồi của chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước những chỉ trích về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bà Ninh cho biết thêm như sau:

"Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã trình bày rõ ràng về mặt chủ trương chính sách về tự do tôn giáo của nhà nước Việt Nam, và đã có nhiều thành tựu để chứng minh điều đó, và phải công nhận câu nói của ông George Miller của đảng Dân chủ đã nói ông đã đi 5 lần Việt Nam, và ông đã thừa nhận là nếu mà nói về cầu nguyện và thực hành tôn giáo cá nhân thì đã có rất nhiều tiến bộ. Và ông đã đi vào các nhà thờ thì rất là đông và không có sự cản trở gì. Cái khác biệt ông cho rằng là quan điểm là quản lý các tổ chức tôn giáo thì đây là vấn đề mỗi xã hội xử lý một cách khác nhau. Về phía Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì cũng có nói rõ là một số trường hợp gần đây mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ quan tâm và cho rằng là vì tự do tôn giáo. Và cũng có nói rõ là cha Nguyễn Văn Lý được đưa ra xét xử thì không phải vì vấn đề tôn giáo mà vì là vi phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến ổn định an ninh quốc gia của Việt Nam, và về vấn đề đó thì quan điểm của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã được trình bày rõ ngay cả trước khi lên đường."

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết là tháng bảy tới đây bà sẽ thôi làm đại biểu quốc hội vào tháng tới và sẽ dành thời giờ tham gia các hoạt động giáo dục. Bà cũng đã tỏ ý trách móc những người Việt ở hải ngoại. Bà nói rằng vẫn còn những người thuộc phe miền Nam trước đây vẫn "còn dậm chân tại chỗ" chứ không chịu xích lại với phía bên kia để cùng thực hiện điều gọi là "chính sách đại đoàn kết dân tộc," trong khi những người bên kia, kể cả những nhân vật lãnh đạo Việt Nam hiện nay, lúc trước họ cũng "từng chịu đựng những mất mát" ở nhà tù côn đảo hay khám Chí hòa, nhưng họ đã có nhiều hành động theo xu hướng xóa bỏ hận thù, hướng đến tương lai.

Khi được hỏi về lời than phiền của bà Tôn Nữ Thị Ninh, giáo sư Đoàn Viết Hoạt - một nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ có ý kiến như sau:

"Trước hết, chúng tôi thấy rằng đánh giá của bà Tôn Nữ Thị Ninh chưa được quân bình bởi vì bà không nghĩ đến những điều mà chính phủ cộng sản ở Việt Nam đã làm từ trong quá khứ cũng như sau 1975, và cũng như là rất gần đây, và ngay như trước lúc ông Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ, bà đã không nghĩ đến sự đàn áp mà những người đối kháng ôn hòa, và nói lên những tiếng nói rất hợp lý, và theo đúng với xu thế chung mà Việt Nam đang hội nhập vào với quốc tế. Bà không nghĩ đến những cái đó mà bà đòi hỏi người Việt hải ngoại. Thực ra, người Việt hải ngoại đã có một cái nhìn tương đối cởi mở hơn rất nhiều so với cách đây năm mười năm. Với làn sóng hơn 300 ngàn người về mỗi năm, với 4,5 tỷ đôla đưa về trong nước, đó là những đóng góp rất cụ thể của người Việt hải ngoại, và đã phần nào đó bỏ qua đi rất nhiều vấn đề để có những đóng góp như thế. Và người Việt hải ngoại không thể tiến hơn được nữa nếu trong nước chính quyền cộng sản không có bước tiến tích cực."

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nguyên phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh cũng có đề nghị như sau đối với các nhà lãnh đạo ở Hà nội nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ Tổng thống Bush ở Washington.

"Quan hệ Việt -Mỹ đã đi vào giai đoạn mới và tích cực, nó giúp cho sự phát triển của Việt Nam nếu các nhà lãnh đạo Hà Nội biết vận dụng một cách thích hợp và thích đáng. Nước Mỹ không những là một nước dân chủ đứng đầu trên thế giới, mà nước Mỹ có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất trên thế giới. Do đó, để có thể vận dụng được cơ hội mới trong quan hệ mới này thì chắc chắn Việt Nam phải đi vào một giai đoạn mới trong sự đổi mới của ban lãnh đạo đảng Cộng sản, tức là sự đổi mới về mặt chính trị, và văn hóa tư tưởng. Sự đổi mới về kinh tế đã đạt kết quả thì bây giờ phải đến giai đoạn đổi mới thứ hai là giai đoạn đổi mới về chính trị, cụ thể là phải chấp nhận người đối kháng đối lập hoạt động ôn hòa và có quyền được lập các tổ chức. Ông Nguyễn Minh Triết thường đưa ra lý do bắt giữ là vì vi phạm luật pháp Việt Nam. Tất nhiên, nước nào cũng có luật, nhưng mà những đạo luật nào không phù hợp với tình hình thế giới cũng như sự hội nhập của Việt Nam thì cần phải được thay đổi."

Trong khi đó, tại Hà nội, một nhà tranh đấu dân chủ cho Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tỏ ý ca ngợi điều mà ông gọi là quyết định đúng đắn của các nhà lãnh đạo Việt Mỹ về việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh hôm nay. Ông cho biết thêm ý kiến như sau về tương lai phát triển của mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa kỳ:

"Bất cứ một người Việt Nam nào cũng như một người nước ngoài nào mà có thiện chí với Việt Nam đều hoàn toàn tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một nước tiên tiến bật nhất ở Ðông Nam Á và xứng đáng là đồng minh thân thiệt của Hoa Kỳ. Cho nên, đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine đã nhận thức được điều đó và lòng tin của ông Marine mà tôi cho là có cơ sở, và sớm hay muộn Việt Nam cũng phải trở thành thân thiện với Hoa Kỳ, và thực hiện cho được công thức của chúng tôi nêu lên tức là phải đi mà làm sao mà tay phải nắm chặt với Hoa Kỳ để tay trái nắm được Trung Quốc."

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài tường trình:


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG