Ông Danny Nguyễn, Chủ Tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, nói rằng một trong những mục tiêu khiến ông và các bạn lập ra Phòng Thương mại cách đây một năm là để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp do người gốc Việt Nam làm chủ, ngày càng có rất nhiều tại thành phố này.
Cách nay gần 10 năm, bà Kathyanna Nguyen, 49 tuổi, một di dân đến từ Việt Nam, quản lý một tiệm tạp hóa trong thành phố Houston, đã bị bắn chết do một người vào cướp tiệm.
Hung phạm có tên là Johnny Ray Conner, 32 tuổi, đã bị kêu án tử hình, và đã chống án lên tận Tòa Án Tối Cao của liên bang. Thủ tục tranh tụng kéo dài suốt gần 10 năm, cho đến hôm tối thứ tư vừa qua, tử tội mới bị hành quyết bằng cách chích thuốc.
Vụ án này nổi tiếng ở chỗ hung thủ là người thứ 400 bị hành quyết ở Texas kể từ khi tiểu bang này áp dụng lại án tử hình vào năm 1982. Vụ án này cũng ồn ào do hung phạm đã được Liên Hiệp Châu Âu xin ân xá bởi vì 27 quốc gia thành viên trong liên hiệp này không còn áp dụng án tử hình. Liên Hiệp Châu Âu đã gửi thư đến Thống Đốc Texas là ông Rick Perry để xin hoãn thi hành án tử hình trong vụ này.
Người phát ngôn của ông Thống Đốc trả lời rằng lâu nay, người dân Texas đã quyết định án tử hình là một hình phạt công bằng và thích đáng dành cho những ai đã phạm tội ác ghê tởm đối với người dân trong tiểu bang. Người phát ngôn này nói tiếp: mặc dù người dân Texas coi trọng các bạn hữu ở châu Âu , hoan nghênh những cuộc đầu tư của châu Âu tại Texas, và cảm ơn họ đã chú ý đến luật lệ ở Texas; nhưng xin để cho người dân Texas quản lý công việc của Texas.
Theo lời ông Ông Danny Nguyễn, Chủ Tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ tại thành phố Houston, chuyện người gốc Việt Nam làm quản lý các tiệm tạp hóa trong thành phố này bị cướp, hoặc bị bắn, không phải là chuyện mới xảy ra.
Và để giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu thêm về vấn đề an ninh trong khi buôn bán, vào cuối tháng này, Phòng Thương mại Việt Mỹ tại thành phố Houston sẽ tổ chức một buổi nói chuyện với diễn giả là ông Brad Bradfor, cựu cảnh sát trưởng thành phố Houston.
Ông Danny Nguyễn, 40 tuổi, một chuyên viên phát triển địa ốc, cho biết tại sao lại lấy tên là Phòng Thương mại Việt Mỹ, thay vì Phòng Thương mại Việt Nam.
Hiện nay, ban điều hành của Phòng Thương mại Việt Mỹ tại Houston đều là những người làm việc tình nguyện, số người đến tiếp xúc với Phòng Thương mại này thì đông nhưng số thành viên gốc Việt Nam thực sự chưa được bao nhiêu, mặc dù cơ sở thương mại của người Việt rất đông, lý do là vì đa số những người chủ của các cơ sở thương mại Việt Nam chưa xem việc gia nhập tổ chức là chuyện quan trọng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp do người Mỹ làm chủ lại xin gia nhập Phòng Thương mại này rất đông, vì người Mỹ rất quen thuộc với các tổ chức loại này, và họ muốn làm thành viên để có cơ hội tiếp cận thị trường người Việt tại thành phố.
Ông Danny Nguyễn nói rằng trong tương lai Phòng Thương mại Việt Mỹ tại Houston hy vọng kết hợp với Phòng thương mại của người Việt tại các thành phố có đông người Việt khác, để có thể tạo nên sức mạnh.
Đã là chủ doanh nghiệp thì ai cũng muốn doanh nghiệp của mình thành công, phát triển chẳng những bên trong mà còn bên ngoài phạm vi quốc gia. Thế nhưng theo lời ông Danny Nguyễn, đối với các doanh nghiệp người Việt tại thành phố Houston, đề tài phát triển buôn bán với Việt Nam vẫn còn là một đề tài nhạy cảm, và gây nhiều tranh luận.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn do Huy Phương thực hiện: