Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Miến Ðiện


Không quốc gia nào có ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo quân nhân Miến Điện lớn lao hơn là Trung Quốc, nước đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nước bênh vực tận tình nhất cho Miến Điện. Trong khi Bắc kinh công khai lên tiếng là họ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng mới nhất tại Miến Điện thì các chuyên gia nói rằng có phần chắc các giới chức Trung Quốc đang làm việc trong hậu trường để đề xướng một giải pháp ôn hòa. Thế nhưng xem chừng các tướng lãnh trong chính phủ Miến Điện không chịu lắng nghe.

Theo ông Sean Turnell một chuyên gia về vấn đề Miến Điện thuộc trường đại học Macquarie của Australia thì ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Miến Điện rất lớn.

Ông Turnell nói: “Dĩ nhiên Trung Quốc là nước quan trọng nhất bảo vệ an ninh cho Miến Điện. Tại hội đồng bảo an LHQ, chính lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc đã thường giúp cho chế độ Miến Điện không bị đưa ra phê phán trước hội đồng. Ngoài ra, Trung Quốc còn là nước cung cấp nhiều thiết bị phòng thủ nhất cho Miến Điện. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất cuả nước này.”

Hồi đầu tuần này, khi giới lãnh đạo Miến Điện dọa sẽ dẹp tan các cuộc biểu tình chống chính phủ do các tu sĩ Phật giáo cầm đầu đang ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã tự chế không đưa ra lời chỉ trích công khai.

Một giới chức cao cấp trong đảng cộng sản Trung Quốc hôm qua nói với các phóng viên báo chí rằng đảng cộng sản Trung Quốc tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác.

Tuy Trung Quốc công khai áp dụng chính sách không can thiệp, nhưng theo các chuyên gia như ông Turnell thì có nhiều phần chắc là các giới chức nước này đang vận động sau hậu trường với chính phủ Miến Điện để khuyến cáo họ phải tự chế.

Ông Turnell nói rằng sự ổn định tại Miến Điện vô cùng quan trọng đối với Bắc kinh.

Nhiều quốc gia Tây phương đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện vì thành tích nhân quyền tệ hại của chế độ quân nhân tại nước này. Thế nhưng quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Miến Điện đã gia tăng rất nhiều trong mấy năm vừa qua.

Các mặt hàng và nguồn tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện, như dầu và khí đốt, rất quan trọng cho nền kinh tế đang bột phát của Trung Quốc và ngược lại Miến Điện cũng là một thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh Vân nam ở phía tây Trung Quốc, một tỉnh giáp ranh với phía bắc Miến Điện.

Tuy nhiên, ông Turnell tỏ vẻ hoài nghi đối với việc các tướng lãnh trong hội đồng quân nhân cầm quyền tại Miến Điện sẽ lắng nghe khuyến cáo của Trung Quốc hay của bất cứ người nào khác. Hôm nay, binh sĩ và cảnh sát đã bắn chỉ thiên tại nơi diễn ra các cuộc biểu tình ở thành phố chính là Rangoon.

Lực lượng an ninh cũng bắn lưu đạn cay vào đoàn tuần hành và bắt giữ, đánh đập mấy chục người biểu tình, trong đó có nhiều nhà sư là những người rất được tôn kính tại quốc gia rất sùng đạo Phật này.

Ông Turnell nói: “Khi chính sự tồn tại của chế độ bị lâm nguy, tôi không chắc là các nhà lãnh đạo sẽ lắng nghe bất cứ người nào. Nghe những tin mớií nghe trong vài giờ đồng hồ vừa qua, tôi e rằng nhà cầm quyền sẽ nhanh chóng thực hiện việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Và nếu tình hình tiến triển tới mức độ đó thì tôi nghĩ chắc họ sẽ không lắng nghe ai cả.”

Ông Turnell nói rằng trong bối cảnh Thế vận hội 2008 sắp diễn ra, Bắc kinh không muốn dính dáng đến những hành động tàn bạo tại Miến Điện.

Trước đây trong năm, các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi tẩy chay Olympics Bắc kinh năm tới nếu Trung Quốc không dùng ảnh hưởng của mình để chấm dứt tình trạng bạo động ở khu vực Darfur của Sudan, một nước bạn hàng quan trọng khác của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG