Xây xong một khu thương mại là một chuyện tốn kém, nhưng ít ai nghĩ rằng sau khi xây xong, việc đặt tên cho khu thương mại đó cũng là một chuyện phức tạp. Đó là trường hợp đã xảy ra tại thành phố San Jose của tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt sinh sống; như quí vị sẽ thấy trong câu chuyện sau đây:
Đó là những khẩu hiệu được hô lên trong buổi họp cộng đồng mới đây tại thành phố San Jose, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Con đường Story của thành phố San Jose có một đoạn dài khoảng 1 km, có khu thương mại mà hết 80% là cửa hàng hoặc văn phòng dịch vụ do người gốc Việt làm chủ.
Trong vòng 10 năm qua, khu thương mại này có những sinh hoạt hết sức sinh động; vì thế Hội đồng Thành phố định chọn một cái tên mang phong cách Việt Nam cho khu thương mại này.
Có nhiều cái tên được đưa ra thăm dò, nào là Vietnamese Business District, nào là Saigon, nào là New Saigon; nhưng cái tên mà quí vị vừa nghe trong buổi họp cộng đồng vừa hô lên là “Little Saigon” hay Sài Gòn Nhỏ.
Những người có mặt trong buổi họp còn dọa nếu không đặt tên là Little Saigon, thì họ sẽ tẩy chay, không đến mua bán tại khu đó.
Ông Đỗ Hùng, một nhà hoạt động cộng đồng tại thành phố này từ nhiều năm qua, cho biết tại sao ông và nhiều người Việt tại đây muốn đặt cái tên đó.
Như ông Đỗ Hùng nói, cái tên Little Saigon tượng trưng cho cái căn cước, cái lý lịch, cái bản sắc của người Việt tại Mỹ. Nếu bây giờ đặt tên cho khu thương mại đó là Vietnamese Business District, tức là khu thương mại của người Việt, thì nghe có vẻ chung chung, có thể bị hiểu lầm rằng đây là những người của chế độ cộng sản Việt Nam đến làm ăn và đã thành công nơi xứ Mỹ, và chính phủ Hanoi có thể nhận đây là các công dân của họ.
Những người Việt tại San Jose muốn có một sự phân biệt rõ ràng là tập thể của họ không muốn nhận sự chỉ đạo từ Hanoi. Và sự phân biệt đó không thể nhập nhằng.
Cũng giống như người Tàu ở Đài Loan hoặc Singapore không nhận mình là người chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh; hoặc ngay cả người Tàu ở Hong Kong họ cũng nói mình là người Hong Kong chứ không phải là người của Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc, mặc dù Hong Kong bây giờ đã thuộc về Trung Quốc.
Các cơ quan truyền thông của người Mỹ tại thành phố cũng có nói đến câu chuyện này. Nhật báo San Jose Mercury News có bài xã luận nói rằng người Việt tại San Jose có quyền tranh đấu cho quyền lợi của mình, nhưng cách tranh đấu của họ có vẻ kém dân chủ, bởi vì có những lời hò hét, la lối, chỉ trích cá nhân, đe dọa, cuộc tranh luận bằng lời nói có vẻ như sắp biến thành tranh luận bằng tay chân.
Ý tờ báo muốn nói người Việt tại San Jose vẫn còn phong cách của thời kỳ chiến tranh trước năm 75. Tờ báo còn lưu ý rằng: các thành viên trong Hội đồng Thành phố có nghĩa vụ lắng nghe tất cả ý kiến của cử tri, chứ không phải chỉ nghe ý kiến của những người hò hét to nhất.
Một đài truyền hình Mỹ trong thành phố cũng tường trình về chuyện này.
Cô Madison Nguyễn, một thành viên trong Hội đồng Thành phố cho biết rằng cô sẵn sàng lắng nghe bất kỳ đề nghị nào. Cô thích cái tên Little Saigon giống như những tên khác đã được đưa ra, như New Saigon, Saigon Town...
Cô cho biết có nhiều người phản ứng theo cảm xúc trong vấn đề đặt tên này, và khi đã phản ứng theo cảm xúc thì nhiều khi dẫn đến những lời nói và hành động thiếu suy xét. Mặc dù giữ thái độ trung lập, cô Madison Nguyễn cũng bị nhiều người Việt phản đối và đòi bầu lại chức nghị viên của cô.
Còn ông Chuck Reed, thị Trưởng thành phố nói: tại San Jose, chuyện này là bình thường, vì thành phố có nhiều cư dân sinh đẻ ở bên ngoài nước Mỹ.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài phỏng vấn do Huy Phương thực hiện: