Các tổ chức bênh vực quyền người tị nạn ở Australia đã chỉ trích những bài trắc nghiệm các câu hỏi về lịch sử và văn hóa mà những người muốn nhập quốc tịch phải trả lời để dược trở thành công dân Úc. Những người chỉ trích nói rằng biện pháp mới này có tính cách kỳ thị đối với di dân đến từ các nước không nói tiếng Anh.
Di dân được yêu cầu trả lời một loạt các câu hỏi về lịch sử Australia, về các thể chế chính trị và về văn hóa của nước này.
Để trở thành công dân Úc, các ứng viên phải đạt được số điểm đậu là 60% trong 20 câu hỏi chọn lựa trong một danh sách câu hỏi trên máy điện toán.
Trong đó có những phần mà các giới chức gọi là giá trị của Úc châu mặc dù khó mà có thể định nghĩa được những giá trị đó. Những người muốn trở thành công dân Úc cũng bị sát hạch về tôn giáo, về tự do ngôn luận và về sự bình đẳng của giới tính.
Các di dân cũng phải vượt qua được một bài trắc nghiệm mới về Anh ngữ mà những người chỉ trích nói là có tính cách kỳ thị đối với những di dân đến từ các nước không có kiến thức về Anh ngữ.
Bộ trưởng di trú Australia, ông Kevin Andrews, nói rằng khả năng nói được tiếng Anh là cốt yếu:
“Yếu tố quan trọng là nếu quý vị muốn đạt được các ước vọng tại Australia thì vấn đề thiết yếu là quý vị phải nói được tiếng Anh.”
Những người ủng hộ di dân nhấn mạnh rằng những ai đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh sẽ gặp nhiều bất lợi trong các bài thi nhập quốc tịch Úc.
Những người chỉ trích biện pháp mới này nói rằng tiền để tổ chức các kỳ thi nhập tịch nên dành để chi phí vào việc dạy tiếng Anh cho các di dân.
Lãnh đạo của đảng Dân chủ, một đảng nhỏ tại Australia, nghị sĩ Lyn Allison, nói rằng các bài thi chỉ làm mất thì giờ:
“Mục đích của cuộc thi là gì? Có phải chúng ta thực sự kiểm tra xem các ứng viên có xứng đáng để trở thành công dân Úc hay không? hay là chúng ta trắc nghiệm trí nhớ của họ về một số những sự kiện khá mơ hồ mà chính phủ thu thập trong cái mà họ gọi là lịch sử của nước Úc?”
Các bài trắc nghiệm nằm trong khuôn khổ một nỗ lực quảng bá giá trị của Australia sau khi xảy ra những cuộc bạo loạn giữa các băng đảng của người Hồi giáo và những người không theo đạo Hồi tại một bãi biển ở thành phố Sydney năm 2005.
Chính phủ Australia từng tuyên bố rằng mục đích của sự quảng bá này là cổ vũ cho một xã hội liên kết với nhau hơn trong khi vẫn tán đồng nền đa văn hóa của một đất nước mà một phần tư dân số được sinh ra tại nước ngoài.
Nếu không đạt được tiêu chuẩn cần thiết trong kỳ thi nhập tịch thì các ứng viên cũng không đến nỗi tuyệt vọng vì họ được phép thi lại, bao nhiêu lần cũng được.