Đặc sứ Liên hiệp quốc tại Miến Điện, ông Ibrahim Gambari, đã gặp nhà lãnh đạo quân nhân Miến Điện, tướng Than Shwe, và một lần nữa lại đến thăm lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ, bà Aung San Suu Kyi. Trong khi đó, các quan sát viên tại Rangoon nói rằng con số các nạn nhân trong vụ quân đội đàn áp biểu tình hồi tuần trước cao hơn nhiều so với con số được báo cáo, và nhiều tu viện đã vắng bóng các tăng sĩ.
Sau nhiều ngày bế tắc, người cầm đầu hội đồng quân nhân Miến Điện, tướng Than Shwe, cuối cùng đã đồng ý gặp đặc sứ của Liên hiệp quốc tại Miến Điện, ông Ibrahim Gambari, tại thủ đô mới Naypyitaw.
Sau đó, ông Gambari đã trở lại Rangoon và gặp lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ đồng thời cũng là khôi nguyên giải Nobel hòa bình, bà Aung San Suu Kyi, lần thứ nhì. Chi tiết cuộc hội kiến chưa được tiết lộ.
Ngoài các hoạt động ngoại giao, tình hình tại thành phố lớn nhất Miến Điện Rangoon yên tĩnh, sau khi quân đội nổ súng vào người biểu tình hồi tuần trước làm thiệt mạng có lẽ vài chục sinh viên, tăng sĩ và thường dân. Tùy viên sứ quán Hoa Kỳ tại Rangoon, bà Shari Villarosa, là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ tại Miến Điện.
Bà Villarosanói rằng tình hình đó không có nghĩa là sinh hoạt trở lại bình thường đối với người dân Miến Điện:
“Tình hình đã yên tĩnh trong tuần này, hôm qua và hôm nay. Xe cộ lưu thông bình thường. Tuy nhiên, cũng chưa hẳn là sinh hoạt trở lại bình thường. Môi người đều kinh hoàng. Họ không muốn bị bắn, vì thế mà hô không ra đường. Họ rất khổ sở. Họ đã khổ sở lâu nay, và hiện giờ đang khổ sở và căm phẫn.”
Bà cho biết thêm rằng ban nhân viên của bà đã đi thăm nhiều tu viện:
“Chúng tôi đã đi thăm khoảng từ 10 đến 15 tu viện. Chúng tôi thấy một số trống trơn và một số thì chúng tôi không vào trong được vì bị quân đội bao quanh.”
Các tu viện trống vắng đã gây lo ngại cho các tổ chức nhân quyền. Các tổ chức này nói rằng nhiều tăng sĩ đã bị sát hại và hàng trăm người nữa có thể đã bị bắt giữ. Các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng 8 sau khi tập đoàn quân nhân cầm quyền tăng giá xăng dầu gần 500%. Các cuộc phản đối dưới sự lãnh đạo của các tăng sĩ Phật giáo được nể vì đã biến thành những cuộc biểu tình quần chúng chống lại 45 cai trị tàn bạo của quân đội.
Nhà chức trách đã trả đũa bằng cách bắt bớ, đánh đập, nổ súng và sát hại những người biểu tình. Chưa biết rõ con số thương vong chính xác. Các tổ chức nhân quyền và các đoàn thể đối lập cho rằng con số đó có thể cao hơn nhiều so với con số 10 cái chết mà nhà nước đã thừa nhận. Các ký giả nước ngoài không được phép vào nước.
Phần lớn thông tin lọt được ra ngoài Miến Điện là do những người dân Miến Điên gửi tin tức, hình ảnh và video qua Internet, mà chính phủ đã cấm truy cập từ hôm thứ sáu vừa rồi. Các chính phủ trên khắp thế giới đã bầy tỏ sự kinh tởm trước vụ đàn áp tàn bạo.
Australia đã bác người được Miến Điện đề cử làm đại sứ tại Australia bởi vì ông này là một tướng lãnh, và Liên hiệp Âu Châu cho biết sẽ gạt Miến Điện ra khỏi bất kỳ hiệp định mậu dịch tự do nào với Đông Nam Châu Á.