Các chuyên gia phân tích công nghiệp du lịch cho rằng cùng với các biện pháp chế tài kinh tế và sự lên án về ngoại giao, tình hình bất ổn chính trị tại Miến Điện còn làm mất đi điều lẽ ra được coi là một năm đạt kỷ lục về du lịch. Theo bài tường thuật của phái viên Chad Bouchard từ Bangkok, du khách ở đông nam Châu Á đã gạt Miến Điện ra khỏi hành trình của họ sau khi xảy ra những biến cố ở đó.
Các chuyên gia về du lịch nói rằng năm 2007 đang sắp trở thành một năm kỷ lục về du lịch cho Miến Điện. Số khách đến cho đến hết tháng 8 năm nay tăng 18% so với cùng thời gian năm ngoái.Nhưng việc chính quyền quân nhân đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 đã làm cho sự bột phát du lịch ở Miến Điện – còn có tên gọi là Myanmar - bỗng dưng khựng lại.
Tại ga xe lửa Hualamphong ở Bangkok, là trung tâm vận chuyển của du khách ba lô trong vùng Đông nam Châu Á, những du khách như Els và Walter van Beeks người Bỉ nằm trong số những người đổi lại kế hoạch của mình:
“Sau chuyến đi của chúng tôi, chúng tôi đã định đi Myanmar. Nhưng bầy giờ thì không thể đi được nữa vì quá nguy hiểm – vâng chắc chắn là không đi được, chúng tôi không thử đi, nhưng nghe tin tức hồi còn ở nhà thì chúng tôi quyết định không chấp nhận các rủi ro. Chúng tôi không chắc sẽ đến được Myanmar, nhưng nếu đi được thì thật là tuyệt. Tiếc quá.”
Các hãng du lịch cho biết khách sạn tại Rangoon đã giảm giá tới 80%. Nhưng các hạn chế đi lại và lệnh giới nghiêm từ cuối tháng trước đã khiến những người thích phiêu lưu nhất cũng không dám đi thám hiểm các địa điểm Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới và những thắng cảnh hoang sơ.
Ông John Koldowski là giám đốc Trung tâm Tình báo Chiến lược tại Hiệp hội Du lịch vùng Thái bình dương có trụ sở ở Bangkok. Ông nói rằng Miến Điện sẽ bị thất thu lớn trong năm nay. Nhưng ông cho rằng nước này trước đây đã chứng tỏ được sự kiên trì.
Ông Koldowski nói: “Nói chung, công nghiệp du lịch đã kinh qua hết biến cố này đến biến cố khác, và chúng tôi vẫn hồi phục được. Nhanh đến mức nào thì đương nhiên còn tùy thuộc vào tình hình chính trị. Nhưng chắc chắn là mọi người sẽ theo dõi khuyến cáo của chính phủ nước họ, song họ cũng theo dõi những người đang ở hiện trường ngay lúc này, hoặc đã đến hoặc sắp đến đó.”
Lãnh tụ đối lập của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã kêu gọi du khách tẩy chay nước này ngõ hầu không tiếp tay cho chính quyền quân nhân. Nhưng yếu tố chính vẫn là sự e ngại đối với các cuộc bạo động.
Các nước tây phương như Hoa Kỳ, New Zealand, và Anh đã công bố các khuyến cáo về du lịch đề nghị không nên đến Miến Điện vì tình hình nguy hiểm.Các công ty du lịch ở Bangkok thì đã khuyến cáo khách hàng tránh đến Miến Điện cho đến hết tháng này.
Ngành du lịch Miến Điện vốn vẫn phải chịu những hạn chế gay gắt về đi lại. Hơn 250 ngàn du khách đã đến thăm nước này trong năm ngoái, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, so với chừng 17 triệu du khách đi thăm Thái Lan chẳng hạn.