Đường dẫn truy cập

Quốc hội Mỹ sẽ vinh danh Ðức Ðạt Lai Lạt Ma


Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong đã đến thủ đô Washington để nhận huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ do Quốc Hội Mỹ trao tặng. Từ nhiều thập kỷ nay, vị lãnh đạo tinh thần 72 tuổi, đã được trao giải Nobel Hòa Bình này, không ngừng tranh đấu với Bắc Kinh để mưu tìm tương lai cho lãnh thổ Tây Tạng và cho Phật giáo Tây Tạng. Thông tín viên đài VOA Robert Raffaele có thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Trung Quốc đã nhiều lần từ chối không cho phép đức Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại Tây Tạng, với cáo buộc là ngài đang tìm cách giành độc lập, ly khai Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, hôm 12 tháng 10 tại thủ đô Washington, đặc sứ của ngài, ông Lodi Gyaltsen Gyari nói rằng Bắc Kinh đã tuyên bố rỏ từ năm 1979 là nền độc lập của Tây Tạng không phải là một đề tài để thương thảo. Và vì vậy trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, các đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ mưu tìm một qui chế tự trị cho Tây Tạng. Sau đây là lời ông Lodi Gyaltsen Gyari:

"Chúng tôi đã tiến hành bước này, với một lập trường dứt khoát và rất rõ ràng của Đức Đạt Lai Lạt Ma - đó là chúng tôi không mưu tìm độc lập cho Tây Tạng. Giờ đây Trung Quốc cần thực hiện bước của họ, đó là sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề về việc này và cho chúng tôi hưởng một qui chế tự trị thực sự."

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sinh năm 1935 trong một ngôi làng nhỏ trong vùng đông bắc Tây Tạng. Từ năm lên 2 tuổi ngài được xác nhận là hóa thân tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13.

Năm 1950, Trung Quốc đưa quân thôn tính Tây Tạng, và 9 năm sau đó đã dập tắt một cuộc khởi nghĩa của người dân nước này. Người ta tin rằng hàng ngàn người Tây Tạng đã bị giết trong cuộc khởi nghĩa này. Đức Đạt Lai Lạt Ma năm đó 24 tuổi đã phải chạy sang Ấn Độ sống lưu vong, và đã thành lập một chính phủ lưu vong tại đó.

Trong hai thập kỷ 1960 và 1970, nhiều tu viện ở Tây Tạng bị phá hủy và việc hành đạo bị đàn áp, sang đến những năm của thập kỷ 80, dưới áp lực của quốc tế, Trung Quốc mới nới lỏng sự áp chế.

Tuy nhiên gần đây Bắc Kinh lại đề ra một biện pháp khác khiến Phật tử Tây Tạng rất bất bình. Đó là một lệnh cấm, bắt đầu có hiệu lực trong tháng 9 vừa qua, các tu sĩ Tây Tạng không được xác nhận tái sinh nếu không được Bắc Kinh cho phép.

Theo truyền thống của Tây Tạng thì sau khi một vị Đạt Lai Lạt Ma viên tịch, các vị đại cao tăng của các tu viện và chính phủ Tây Tạng có trách nhiệm tìm và xác nhận hiện thân tái sinh của ngài trong kiếp hiện tại.

Tuy nhiên chiếu theo luật mới của Trung Quốc thì chỉ có Bắc Kinh mới được quyền tuyên bố vị nào là Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp.

Đặc sứ Lodi Gyaltsen Gyari nói rằng đó là một bằng chứng khác nữa cho thấy là Tây Tạng cần được tự trị.

Đặc sứ Lodi Gyaltsen Gyari nói: "Chúng tôi không đòi Tây Tạng thực thi chính sách đối ngoại của riêng mình, mà chúng tôi chỉ đòi cho người dân Tây Tạng được hưởng đầy đủ tự do trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa, và bảo tồn ngôn ngữ của chúng tôi, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn nhắc nhở rằng dù người Trung Quốc có những ý định tốt đẹp nhất đi nữa, cũng chỉ có người Tây Tạng mới biết rỏ hơn việc điều hành và chăm lo cho các tu viện của mình như thế nào, dạy cho con cháu của mình hiểu về nền văn hóa của người Tây Tạng như thế nào."

Theo như dự kiến thì hôm nay, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ làm lễ trao tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma huy chương Congressional Gold Medal, là huy chương dân sự cao quí nhất của Hoa Kỳ, để vinh danh nhiều đóng góp lâu dài và nổi bật của ngài cho nền hòa bình, tinh thần bất bạo động, nhân quyền và sự hoằng pháp của ngài.

Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush dự định sẽ đến dự buổi lễ trao huy chương, và đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng Thống đương nhiệm xuất hiện trước công chúng với đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuần trước, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ về việc vinh danh nhà lãnh đạo tinh thần.

Người phát ngôn của bộ Ngoại Giao nói rằng Bắc Kinh cực lực phản đối bất cứ một quốc gia hay một cá nhân nào gặp gỡ vị lãnh đạo Phật giáo này, trong bất cứ một mưu đồ nào nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc bà Dana Perino đã đáp lại lời tuyên bố này như sau:

"Chúng tôi hy vọng rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm hiểu về Đức Đạt Lai Lạt Ma, như Tổng Thống Hoa Kỳ đã nhận thấy nơi ngài - một nhà lãnh đạo tinh thần, một người chỉ mưu tìm hòa bình."

Hôm thứ ba, trước ngày lễ trao tặng huy chương, Tổng Thống Bush hội kiến riêng với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là lần hội kiến thứ tư như thế giữa ông và nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG