Lãnh đạo các nước trên thế giới đang dự một hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc ở Rome đã cam kết giảm bớt những rào cản thương mại và gia tăng sản lượng nông nghiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Vào lúc kết thúc ba ngày hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực trên thế giới tại Rome, đại biểu các nước đã chấp nhận một tuyên ngôn bày tỏ quyết tâm làm giảm bớt những thống khổ gây ra bởi giá lương thực tăng cao. Thông tín viên đài VOA Sabina Castelfranco gởi về bài tường thuật sau đây từ Rome.
Không phải là chuyện dễ dàng để đại biểu các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực trên thế giới tại Rome đạt được thỏa thuận cho thông cáo chung về nỗ lực làm giảm bớt nạn đói ngày càng gia tăng trên thế giới. Gần 5,000 đại biểu từ hơn 180 quốc gia đã dành ba ngày thảo luận để tìm cách làm giảm bớt nỗi thống khổ gây ra bởi giá thực phẩm tăng cao.
Đại biểu các nước đã mở các cuộc thảo luận tại Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Một thoả thuận đã đạt được vào cuối ngày thứ ba của hội nghị. Vào lúc khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, ông Jacques Diouf, nói rằng, đã tới lúc phải hành động.
Ông Diouf nói: "Chúng ta đã chấp thuận một tuyên ngôn, và như quý vị đã biết qua kinh nghiệm của những lần trước thì đây không phải là một chuyện dễ dàng. Ngoài ra, yếu tố thứ ba của khung sườn hành động toàn cầu đã được trình bày trong các cuộc họp trong khuôn khổ của lực lượng đặc nhiệm."
Ông Jacques Diouf nói thêm rằng, điều quan trọng đạt được tại hội nghị Rome là một tuyên ngôn chính trị về quyết tâm giảm thiểu nạn đói. Văn kiện này qui định là phải giúp đỡ ngay cho nông dân ở những nước nghèo - những người cần có hạt giống, phân bón và thức ăn gia súc kịp thời cho mùa gieo trồng sắp tới. Nhưng cũng còn phải chờ xem chính sách nông nghiệp và thương mại của các nước tham dự hội nghị có được thay đổi cho phù hợp với văn kiện được chấp thuận tại Rome hay không.
Ông Diouf nói rằng, tuy hội nghị tại Rome không phải là một hội nghị để đưa ra những cam kết tài chánh, nhưng các nước cùng với các ngân hàng cấp vùng và Ngân Hàng Thế Giới đã hứa cung cấp nhiều tỷ đô la cho nỗ lực chống lại nạn đói.
Ông Diouf nói: "Vào lúc kết thúc hội nghị này đại diện của Hoa Kỳ đã nói rằng họ sẽ cung cấp 5 tỷ đô la trong 5 năm tới để hỗ trợ cho nỗ lực phát triển nông nghiệp và bảo vệ an ninh lương thực."
Một số quốc gia Châu Mỹ La Tinh đã cực lực phản đối tuyên ngôn vừa kể. Trong những nước này có Cuba là nước đã bày tỏ thất vọng về việc văn kiện này không chỉ trích lệnh cấm vận lâu năm của Hoa Kỳ đối với đảo quốc do những người Cộng Sản cai quản này.
Argentina không vui lòng về những ngôn từ nói tới vấn đề rào cản thương mại. Argentina nói rằng, tuyên ngôn vừa kể không đề cập tới vấn đề là những biện pháp trợ cấp nông nghiệp tại Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Âu Châu và các nước sản xuất lương thực ở Phương Tây đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho giá lương thực tăng cao.
Đại biểu các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh cũng đã thảo luận về vấn đề gây nhiều tranh cãi là nhiên liệu sinh học, và họ thừa nhận rằng công cuộc phát triển loại nhiên liệu này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều thách thức.